Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 26/1, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Triển vọng, chiến lược và kế hoạch cho ASEAN.”
Sự kiện này nhằm thảo luận Chiến lược hợp nhất của ASEAN cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) vừa được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 38 vào tháng 10/2021.
Là ưu tiên xuyên trụ cột trong Năm Chủ tịch ASEAN 2021 của Brunei, Chiến lược trên chỉ rõ cách thức Cộng đồng ASEAN thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và tiếp nhận các công nghệ mới một cách toàn diện, vì lợi ích của nền kinh tế khu vực và xã hội rộng lớn hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh rằng mặc dù ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến liên quan đến 4IR trên ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, song cần có sự đồng bộ hơn thông qua một chiến lược hợp nhất để thúc đẩy 4IR trong khu vực.
[Khu vực ASEAN+3 có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực trong 2022]
Phó Tổng thư ký Satvinder cho rằng cách tiếp cận toàn diện này cho phép 4IR không chỉ được sử dụng như một động cơ cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của khu vực.
Về phần mình, Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis hoan nghênh việc đưa Chiến lược 4IR của ASEAN vào các khuyến nghị nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cũng như những người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác.
Đại sứ Nankervis khẳng định: “Chiến lược hợp nhất này phản ánh những khía cạnh tốt nhất của quan hệ đối tác lâu dài giữa Australia và ASEAN, đáp ứng các ưu tiên và thách thức mới nổi, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ bền vững cho các sáng kiến dài hạn.”
Với sự hỗ trợ của giai đoạn 2 Chương trình hợp tác phát triển ASEAN-Australia, việc xây dựng Chiến lược Hợp nhất này mang tính bao trùm, thu hút sự tham gia của tất cả các cơ quan ngành và các bên liên quan trên ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN./.