ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực

Diễn ra trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này là cơ hội để ASEAN khẳng định vị thế của mình sau 5 thập kỷ ra đời và phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4, theo chiều kim đồng hồ) và lãnh đạo các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN ở Manila ngày 13/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiếp sau các hoạt động dày đặc tại Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, vừa diễn ra tại Đà Nẵng, dư luận quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt tới Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan tại Manila (Philippines).

Diễn ra trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, hội nghị lần này là cơ hội để ASEAN khẳng định vị thế của mình sau 5 thập kỷ ra đời và phát triển, củng cố các tầm nhìn phát triển chiến lược của hiệp hội và trong quan hệ với các đối tác.

Ngoài ra, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo của Đông Nam Á - khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới và các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…. những sự kiện liên quan tại Manila, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), được coi là diễn đàn để các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, thể hiện chính sách đối với khu vực ngày càng có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế này.

Khai mạc ngày 13/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 cùng một loạt các hội nghị liên quan là sự kiện đánh dấu ASEAN tròn 50 tuổi và cũng là năm thứ hai xây dựng Cộng đồng ASEAN với nhiều kết quả tích cực, đưa cộng đồng từng bước trở thành một trụ cột của hòa bình, ổn định và phát triển khu vực.

Qua 50 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm và thách thức, ngày nay, ASEAN được thế giới nhìn nhận như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị​-kinh tế gắn kết và năng động góp phần thúc đẩy quá trình kết nối khu vực và toàn cầu. ASEAN đã tạo lập được vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương với sức mạnh của tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi kéo theo những thách thức mới, khi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng quay trở lại tại nhiều nước, điều kiện để tự do hóa thương mại và đàm phán các hiệp định thương mại trở nên khó khăn hơn, phục hồi kinh tế Mỹ và một số nước châu Âu vẫn còn mong manh, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại…

Những thực tế này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề việc làm, điều mà các quốc gia ASEAN không mong muốn, bởi nó cản trở những thành công trong cuộc chiến giảm nghèo.

Đặc biệt, yêu cầu thúc đẩy thực hiện 5 mục tiêu chính trong kế hoạch hoàn thành xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 đang đòi hỏi các nước ASEAN không ngừng nỗ lực thu hẹp các khác biệt trong từng nước.

Bài toán đặt ra với các nước ASEAN là có thể làm gì để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được và có biện pháp như thế nào để đối phó với thách thức và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình mới.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao lần thứ 31 tập trung vào phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết nội khối, tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, phát huy nội lực để từ đó truyền đi thông điệp về một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường.

Trong số các hội nghị liên quan tại Manila lần này, thu hút sự chú ý đặc biệt còn có Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12, nơi quy tụ không chỉ lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN mà còn bao gồm lãnh đạo 8 nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ.

Đây cũng là hội nghị cấp cao EAS đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố không dự sự kiện, khiến chính giới cũng như các nhà phân tích ở Washington không khỏi quan ngại đây có thể là biểu hiện của sự xa rời Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump và có thể tác động tới xấu tới vị thế của Mỹ tại khu vực.

Sự vắng mặt của ông Trump có thể mang lại cho Bắc Kinh cơ hội lớn hơn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, đang nóng lòng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Á và xa hơn nữa.

EAS vốn được coi là diễn đàn để ASEAN và các nước đối tác đóng góp tiếng nói và vai trò không chỉ trong hợp tác kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực như an ninh, thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng ở châu Á​-Thái Bình Dương.

Lâu nay, các đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn hy vọng EAS sẽ trở thành diễn đàn hàng đầu để các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết những thách thức an ninh thông qua việc thúc đẩy liên kết thể chế đa phương ASEAN mở rộng, chẳng hạn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+).

Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, EAS là một trụ cột trong mối quan hệ của Washington với châu Á. Kể từ năm 2011, khi Mỹ chính thức tham gia cơ chế EAS sau chiến lược "xoay trục sang châu Á", Tổng thống Obama đều đặn tham dự EAS mỗi năm, trừ năm 2013 do chính phủ Mỹ bị đóng cửa.

Vì vậy, việc Tổng thống Trump quyết định vào phút chót kéo dài thời gian tại Manila để dự EAS được nhìn nhận là động thái “lắng nghe và chia sẻ” những quan ngại của công luận, qua đó có thể làm rõ hơn chiến lược can dự của Mỹ vào khu vực này. Bất chấp những “làn gió ngược”, Đông Nam Á vẫn tiếp tục duy trì vị thế là khu vực phát triển năng động.

Và những chuyển động vào phút chót của Washington một lần nữa cho thấy vai trò của ASEAN cũng như của các cơ chế hợp tác đa phương mà ASEAN đã khởi xướng và thúc đẩy những năm qua.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp toàn thể ASEAN 31]

Dự kiến, tại Cấp cao Đông Á năm nay, lãnh đạo các nước sẽ tập trung trao đổi quan điểm về hướng đi tương lai của quan hệ hợp tác EAS trong các vấn đề quan tâm chung của khu vực và quốc tế.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ EAS 12, phái đoàn Nga muốn thúc đẩy các cuộc tham vấn về xây dựng cấu trúc an ninh khu vực nhằm đạt được một văn kiện liên quốc gia định hình một hệ thống an ninh bình đẳng, minh bạch, cởi mở và toàn diện, dựa trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và tin cậy lẫn nhau.

Với những nội dung như vậy, rõ ràng EAS đang ngày càng thể hiện vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy đưa ra nhận thức và cách tiếp cận chung đối với các vấn đề vốn có tác động sâu sắc tới hòa bình và an ninh khu vực.

Cùng đánh dấu mốc lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, năm nay cũng ghi dấu 20 năm thành lập cơ chế ASEAN+3 và kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Với những nỗ lực tiếp tục củng cố tinh thần đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của mỗi nước thành viên và của cả khu vực, ASEAN đang quyết tâm khẳng định là một khu vực “hòa bình, ổn định, tự cường” và rộng mở với bên ngoài, đóng góp tích cực cho hòa bình và thịnh vượng chung của toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục