ASEAN thúc đẩy xây dựng kế hoạch tổng thể kết nối sau 2015

Các thành viên ASEAN đánh giá mặc dù có những tiến triển, song tỷ lệ đạt được trong triển khai Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN đến hết năm 2015 vẫn ở mức thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn; youtube.com)

Theo thông báo của Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Indonesia ngày 18/10, cuộc họp lần thứ ba của ​Ủy ban Điều phối Kết nối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ACCC) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia vào ngày 15/10 vừa qua.

Cuộc họp tập trung kiểm điểm và thảo luận các biện pháp đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC), chuẩn bị xây dựng Chương trình nghị sự Kết nối ASEAN cho giai đoạn sau 2015.

Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp.

Kiểm điểm tiến độ thực hiện MPAC, cuộc họp đánh giá mặc dù tiếp tục có những tiến triển, song nhìn chung tỷ lệ đạt được trong triển khai MPAC đến hết năm 2015 vẫn ở mức thấp (dự kiến đạt 65%).

ACCC cho rằng các khó khăn cản trở thực hiện MPAC hiện nay chủ yếu gồm: thiếu vốn, nguồn lực; quy trình phối hợp chưa đồng bộ và thiếu các quy định liên quan.

Nhằm góp phần tháo gỡ các khó khăn trên, thời gian qua ACCC đã tích cực triển khai một số biện pháp cụ thể như phối hợp xây dựng Bộ hướng dẫn Đầu tư Công-Tư (PPP Guideline) và phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư dưới hình thức PPP sẽ “bán ra thị trường.”

Chủ tịch ACCC đã gửi thư cho các chủ tịch các cơ quan chuyên ngành liên quan đề nghị cho ý kiến về các biện pháp chưa thực hiện; xây dựng các tập phim ngắn về kết nối ASEAN để quảng bá MPAC đến các bên liên quan.

Tại cuộc họp, các nước khẳng định quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các biện pháp nêu trong MPAC, nhất là cần sớm có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ những khó khăn về vốn, quy trình phối hợp và phân công trách nhiệm thực thi cho các cơ quan; khẩn trương xác định cơ quan chủ trì thực hiện đối với các biện pháp mang tính đa ngành…

Các đại biểu cũng nhấn mạnh các biện pháp tăng cường công tác điều phối thực hiện MPAC, đáng chú ý là sự phối hợp giữa ACCC và Điều phối cấp quốc gia (NC), việc nâng cao năng lực cho Ban thư ký ASEAN trong hỗ trợ theo dõi các hoạt động về kết nối ASEAN.

Về Chương trình nghị sự Kết nối ASEAN sau 2015, cuộc họp ghi nhận tiến độ xây dựng của Nhóm tư vấn trong việc bước đầu xây dựng ý tưởng, lấy ý kiến đóng góp của nhiều bên liên quan như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các học giả, các nước đối tác, các tổ chức quốc tế có quan tâm để xây dựng một kế hoạch khả thi, toàn diện cho 10 năm tới.

Dự kiến ACCC sẽ bắt đầu thảo luận dự thảo Chương trình nghị sự Kết nối ASEAN vào tháng 2/2016.

Trong dịp này cũng đã diễn cuộc trao đổi lần thứ 4 giữa ACCC và đại diện NC nhằm đánh giá tình hình triển khai MPAC ở cấp quốc gia và khu vực thời gian qua, đồng thời trao đổi về định hướng xây dựng kế hoạch kết nối cho giai đoạn sau 2015.

Các bên khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ trong quá trình thúc đẩy hiệu quả việc giám sát và triển khai các biện pháp của MPAC, tìm kiếm các biện pháp giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện tại, nhất là trong thúc đẩy thực hiện 5 biện pháp còn tồn đọng, cũng như tăng cường sự tham gia đối thoại của các bên liên quan với ACCC và NC thời gian tới.

Bên lề cuộc họp lần thứ 3 của ACCC cũng đã diễn ra Hội thảo Kết nối ASEAN lần thứ 6. Đây là diễn đàn thường niên với sự tham gia của nhiều học giả, các cơ quan chuyên ngành, các đối tác và các tổ chức quốc tế.

Theo kế hoạch, Lào sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ​Ủy ban điều phối Kết nối ASEAN trong năm 2016 và dự kiến tổ chức Cuộc họp ACCC tiếp theo vào quý 1/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục