Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 diễn ra từ ngày 22-25/8 tại Jakarta, ngày 24/8, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Y tế ASEAN đã được tổ chức nhằm thảo luận các biện pháp ứng phó hiệu quả với các đại dịch trong tương lai.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani nêu rõ mục đích của hội nghị là thúc đẩy sự phối hợp giữa các quan chức tài chính và y tế, qua đó ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức do các đại dịch gây ra trong tương lai, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên ASEAN.
Hội nghị đã xem xét các nghiên cứu về công tác phòng ngừa và ứng phó với đại dịch ở khu vực Đông Nam Á, trong đó chỉ ra những khoảng cách tài chính cho công tác này giữa các nước thành viên ASEAN; thảo luận các phương thức đầu tư nhằm tăng cường năng lực ứng phó, sử dụng hiệu quả Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh khác.
[ASEAN+3 cam kết tăng cường hợp tác quân sự phòng chống đại dịch]
Hội nghị nhắc lại sự cần thiết xây dựng động lực hướng tới sự phục hồi bền vững bằng cách tập trung thực hiện các cơ chế và chiến lược hiện có, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực khu vực, tăng cường sức mạnh tổng hợp và khả năng kết nối với các nguồn lực toàn cầu như Quỹ Phòng chống Đại dịch, do Indonesia thành lập trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2022.
Hội nghị tái khẳng định nhu cầu đầu tư trong nước nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh, tìm hiểu các nguồn tài trợ khác cũng như các sáng kiến hợp tác đa phương với các đối tác quốc tế, nhằm hỗ trợ thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về sáng kiến “Một sức khỏe."
Hội nghị cũng nêu rõ cam kết hoàn thiện cấu trúc y tế khu vực sau đại dịch COVID-19 nhằm tăng cường khả năng ứng phó trong Cộng đồng ASEAN dựa vào Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN (ACRF).
Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính và y tế ASEAN đồng ý đẩy nhanh thực thi thỏa thuận thành lập Trung tâm ASEAN Úng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi; đồng thời đánh giá lại để đảm bảo Qũy ASEAN ứng phó với COVID-19 hoạt động linh hoạt hơn.
Bộ trưởng Sri Mulyani nhấn mạnh hội nghị lần này là nền tảng thúc đẩy hợp tác và tiến bộ trong lĩnh vực tài chính và y tế ASEAN nhằm nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng và đảm bảo thực thi nhiệm vụ được các nhà lãnh đạo ASEAN giao phó. Kết quả của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tới tại Jakarta.
Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho hay hội nghị đã nhất trí hợp nhất các quỹ hiện có của ASEAN trong lĩnh vực y tế thành một quỹ chăm sóc y tế duy nhất của cả khu vực.
Động thái này nhằm đồng bộ hóa tất cả các quỹ tài trợ công và tư nhân, quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu, qua đó giúp giải ngân hiệu quả hơn và hỗ trợ các nước chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai./.