ASEAN thận trọng giữa tâm bão cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Các nước Đông Nam Á đang theo dõi thương chiến Trung-Mỹ với tâm trạng lo lắng. Sau hơn một năm cân nhắc, ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào ngày 23/6/2019.
(Nguồn: aecvcci.vn)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin căng thẳng Mỹ-Trung đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới. Lần đầu tiên sau 25 năm, chính quyền Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ” sau khi đồng nhân dân tệ trượt giá xuống dưới ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD.

Điều này mở ra một cánh cửa để Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt cũng như những hạn chế thương mại khắc nghiệt hơn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và công nghệ toàn cầu đã biến thành một cuộc chiến tiền tệ.

Các hành động của Mỹ rất độc đoán và đã làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu.

Báo cáo “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” gần đây cho thấy các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng cảnh giác hơn với cách tiếp cận của Mỹ trong khu vực. Họ có quyền lo lắng. Việc Mỹ gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ không mang lại nhiều ý nghĩa, cả về kinh tế lẫn thể chế.

[Trái phiếu chính phủ Mỹ có thể là "vũ khí hạng nặng" của Trung Quốc]

Về mặt kinh tế, một đồng tiền nhân dân tệ suy yếu là điều có thể xảy ra trong tình hình kinh tế hiện tại. Nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong khi Mỹ vẫn tiếp tục trong giai đoạn bùng nổ kinh tế lâu nhất trong lịch sử.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đang phải chịu nhiều sức ép, trong khi đó, rủi ro toàn cầu leo thang đã chứng kiến nhu cầu phải tìm kiếm một nơi an toàn cho các tài sản tài chính của Mỹ ngày càng gia tăng.

Tất cả các biến số này cho thấy một đồng nhân dân tệ suy yếu so với đồng USD.

Marc Chandler, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của công ty thương mại thị trường Bannockburn Global Forex, cho rằng: “Họ không hạ giá đồng tiền tệ xuống mà chỉ đang chấp nhận các tác nhân thị trường.”

Về mặt thể chế, các hành động của Trung Quốc không phù hợp với định nghĩa riêng của Bộ Tài chính Mỹ về một nước thao túng tiền tệ.

Mark Sobel, một nhân viên kỳ cựu của Bộ Tài chính Mỹ, nói: “Theo tiêu chí báo cáo trao đổi ngoại hối của Kho bạc Mỹ, Trung Quốc thậm chí còn không đạt gần đến mức có thể đáp ứng các điều khoản để được gọi là nước thao túng tiền tệ.”

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra đánh giá tương tự, cho rằng tỷ giá hối đoái của Trung Quốc năm 2018, cũng như trong ít nhất 5 năm qua, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Kho bạc Mỹ.

Một cuộc chiến tiền tệ đang âm ỉ?

Nhiều khả năng chính quyền Mỹ sẽ không thể thực hiện được mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc làm suy yếu đồng USD. Ông Trump có thể sử dụng Quỹ bình ổn hối đoái của Bộ Tài chính Mỹ để bắt đầu bán đồng USD.

Tuy nhiên, chỉ với 100 tỷ USD trong quỹ, và lượng tiền bằng đồng USD chỉ chiếm 23 tỷ, khả năng để đạt được bất kỳ sự giảm giá bền vững nào đối với đồng USD là điều không thể.

Điều này có nghĩa là bất kỳ sự hạ giá bền vững nào đối với đồng USD đều cần đến sự can thiệp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vốn cho đến nay vẫn giữ vững lập trường của mình.

Mặc dù các tổ chức ở Mỹ sẽ làm chậm quá trình bùng nổ một cuộc chiến tiền tệ, song Tổng thống Trump có quyền áp đặt các hạn chế thương mại và các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nữa đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, như IMF đã chỉ ra, những chi phí này sẽ giảm mạnh đối với người tiêu dùng Mỹ, cho thấy một sự suy thoái kinh tế của Mỹ có thể là con đường khả dĩ nhất để Tổng thống Mỹ giảm giá đồng USD, đặc biệt là khi đường cong lợi suất Mỹ đảo ngược đáng kể trong tuần qua - một dự báo đáng tin cậy về sự suy thoái của Mỹ.

Tuần trước, những căng thẳng tiền tệ cũng cho thấy một điều gì đó quan trọng về Trung Quốc.

Bằng cách hạ giá đồng nhân dân tệ xuống dưới mức 7 nhân dân tệ/USD, Trung Quốc có lẽ đang thể hiện sự tự tin và độc lập về kinh tế mới hình thành. Mức 7 nhân dân tệ/USD được nhiều người coi là một ngưỡng tâm lý quan trọng.

Việc cho phép đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới mức đó báo hiệu một tâm thế sẵn sàng ngày càng cao của chính quyền Trung Quốc trong việc hành xử độc lập hơn so với những gì phần còn lại của thế giới đang làm.

Liệu sự độc lập tài chính mới này có dẫn đến bất kỳ thay đổi cơ cấu nào trong chính sách tiền tệ và khung tỷ giá hối đoái của Trung Quốc hay không vẫn là điều chưa rõ ràng. Điều rõ ràng cho đến nay mới chỉ là chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới.

Một năm trước, sự lo ngại (của thế giới) tập trung vào cuộc chiến thương mại. Sau đó, các mối quan tâm chuyển sang công nghệ và các công ty, và giờ đây lại chuyển sang lĩnh vực tiền tệ và thị trường tài chính.

Các nước Đông Nam Á đang theo dõi tình hình với tâm trạng đầy lo lắng. Sau hơn một năm cân nhắc, ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào ngày 23/6/2019.

Tài liệu này về cơ bản là một đường hướng dẫn dắt về cách ASEAN nhìn nhận châu Á-Thái Bình Dương và sự gắn kết của tổ chức này ở đó như thế nào.

Như Amitav Acharya - giáo sư Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Mỹ ở Washington D.C - từng thảo luận, tài liệu này cho chúng ta biết rất nhiều về cách ASEAN, đặc biệt là Indonesia (nước đi đầu trong việc hình thành bản kế hoạch), nghĩ như thế nào về khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cũng như cách tiếp cận của Mỹ ở châu Á.

Ông Acharya lập luận rằng Indonesia không thoải mái với cách tiếp cận của Mỹ đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi đây là sự ngăn chặn và nhằm mục đích cô lập Trung Quốc.

Để đáp lại, Jakarta đã phát triển một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tập trung vào ASEAN và phù hợp hơn với các nguyên tắc có tính chất bao trùm của ASEAN (đối với Trung Quốc), xây dựng sự đồng thuận và nhấn mạnh vào một cách tiếp cận mang tính quy phạm, chính trị và ngoại giao - thay vì tập trung quá nhiều vào quân sự.

Ông Acharya chỉ ra sự khác biệt giữa các cách tiếp cận ASEAN và Mỹ được thể hiện trong thuật ngữ mà hai nước sử dụng để nói lên tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông, Mỹ muốn có một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do” và “rộng mở,” lặp lại cách diễn đạt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhưng với một định hướng mang tính chiến lược hơn về quân sự.

Trong khi đó, Indonesia tìm kiếm một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “cởi mở” và “bao trùm.” Mỹ không dùng từ “bao trùm,” còn Indonesia không dùng từ “tự do.”

Cách diễn đạt của ASEAN có vẻ mang tính ngữ nghĩa, nhưng thể hiện tầm quan trọng đáng kể. Điều mà tài liệu này chỉ ra là ASEAN đang đóng vai trò quen thuộc với tư cách là tác nhân xây dựng sự đồng thuận khu vực.

Điều này hiện cần thiết hơn bao giờ hết. Khi căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục trượt qua các lĩnh vực thương mại, công nghệ, tiền tệ và tài chính, châu Á sẽ phải hứng chịu tổn thất.

Xây dựng sự đồng thuận và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng căng thẳng bằng cách cải tổ các quy tắc và thể chế toàn cầu đòi hỏi sự lãnh đạo của châu Á và sự gắn kết của Trung Quốc, chứ không phải là sự cô lập. Việc đứng ngoài cuộc cho đến nay đã không hiệu quả, và có khả năng sẽ không hiệu quả cả trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục