Hội nghị đặc biệt trực tuyến quốc tế về các biện pháp bảo vệ và phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức vào ngày 5/6.
Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng mà còn có những tác động tiêu cực đến trẻ em và phụ nữ.
Mặt trái của các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, doanh nghiệp và dịch vụ do đại dịch là những tác động đến thể chất và tinh thần của nhóm đối tượng này.
Trong giai đoạn vừa qua, hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi các trường học bị đóng cửa. Bạo lực gia đình gia tăng nhiều nơi trên thế giới.
Tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình được trình báo ở một đồn cảnh sát tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc tăng gấp 3 lần vào tháng 2/2020 so cùng kỳ năm trước.
Ở Sydney, số vụ bạo lực tăng hơn 30% trong những tháng vừa qua so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu tại các nước châu Âu bị ảnh hưởng do đại dịch cũng tương tự như vậy.
[Bạo lực gia đình gia tăng ở Singapore trong thời gian giãn cách xã hội]
Thông tin về hậu quả từ tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân không chỉ tức thời mà lâu dài. Hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới bản thân trẻ em và gia đình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội.
Một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho thấy tổng thiệt hại kinh tế của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khoẻ và hậu quả của các hành vi gây nguy hại sức khoẻ lên tới 209 tỷ USD (2012) hoặc gần 2% GDP của khu vực.
Riêng tại Việt Nam, từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020 tính đến 4/6/2020, cả nước có 328 người bị nhiễm, chưa có trường hợp tử vong.
Mặc dù số người nhiễm ít nhưng ảnh hưởng của dịch đối với đời sống kinh tế, xã hội của người dân là rất lớn và chưa ước tính chính xác, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.
Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng 50%.
Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên- nơi tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng 80% so cùng kỳ năm trước.
Khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian này.
Trước vấn đề cần làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực này, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ Bộ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng quy định về an toàn và bảo vệ trẻ em tại các cơ sở cách ly, phổ biến tài liệu truyền thông về an toàn phòng tránh bạo lực cho trẻ em tại gia đình, xây dựng tài liệu và chương trình kỹ năng làm cha mẹ…
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức hữu quan, tăng cường khóa đào tạo sử dụng ứng dụng trực tuyến, kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Với các nước ASEAN, sẽ xây dựng hoàn thiện khung chính sách pháp lý để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chống bạo lực với phụ nữ,” bà Hà Thị Minh Đức cho biết.
Để phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, các đại biểu khuyến nghị các quốc gia trong khu vực tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho nhân viên công tác xã hội.
Ngoài ra, các quốc gia nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ ASEAN bị bạo lực vượt qua khủng hoảng./.