Với việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ở khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) đã cam kết thúc đẩy và tăng cường phối hợp trong lĩnh vực quản lý thiên tai.
Thỏa thuận liên quan đến phạm vi và các lĩnh vực hợp tác chính giữa ASEAN và IFRC nhằm tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng ở cấp độ khu vực, quốc gia và địa phương trong khu vực Đông Nam Á.
Các lĩnh vực này bao gồm quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, xây dựng luật, hợp tác y tế trong các trường hợp khẩn cấp, cứu trợ thảm họa và ứng phó khẩn cấp, bình đẳng giới, thanh niên và biến đổi khí hậu.
Việc ký kết thỏa thuận trên cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa ASEAN và IFRC, trong đó có việc IFRC hỗ trợ Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và các chương trình làm việc của tổ chức này.
Thỏa thuận hợp tác này đã được Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi và Tổng thư ký IFRC Jagan Chapagain ký kết vào ngày 25/5 bên lề Diễn đàn toàn cầu lần thứ 7 về giảm thiểu rủi ro thiên tai (GPDRR 2022) tại Bali (Indonesia), trước sự chứng kiến của đại diện ACDM và đại diện của các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia.
[ASEAN tăng cường ứng phó với rủi ro thiên tai với nhiều cam kết cụ thể]
Tại lễ ký, ASEAN và IFRC đã đánh giá cao tiến độ hợp tác giữa hai bên. Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác cùng có lợi trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ứng phó với thiên tai, cả hai bên đều bày tỏ mong muốn thực hiện MoU thông qua các dự án hợp tác trong khuôn khổ Chương trình công tác AADMER giai đoạn 2021-2025.
Tổng thư ký ASEAN Dato Lim nhấn mạnh rằng “trước tần suất và cường độ ngày càng tăng của các thảm họa do biến đổi khí hậu, tại một trong những khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, cùng với bối cảnh nhân đạo ngày càng phức tạp, chúng ta cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược nhằm nâng cao khả năng ứng phó với tư cách là một Cộng đồng ASEAN."
Về phần mình, Tổng thư ký IFRC Chapagain cho biết: “Thông qua quan hệ đối tác này, mục tiêu chung của hai bên là đặt các cộng đồng tại Đông Nam Á ở vị trí trung tâm bằng cách xây dựng năng lực cá nhân và cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu nhân đạo và phòng ngừa các tổn thất và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra."
Cuối cùng, hai bên cũng khẳng định cam kết ủng hộ chủ đề của GPDRR 2022 “Từ rủi ro đến ứng phó: Hướng tới phát triển bền vững cho tất cả mọi người trong một thế giới biến đổi hậu đại dịch COVID-19 và thực hiện Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai”./.