Ngày 12/11, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 15 (AMMST 15) đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 10 nước thành viên và Ban thư ký ASEAN.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia, Tiến sỹ Ewon Ebin nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét mọi biện pháp có thể để tăng cường năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới của các nước thành viên vì lợi ích của toàn khu vực.
Ông cho rằng khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) là những yếu tố quyết định mạnh mẽ và tạo khả năng phát triển kinh tế, giáo dục và bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị, các bộ trưởng tập trung thảo luận về các phương thức triển khai thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới theo Kế hoạch hành động ASEAN mới về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (APASTI), chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong việc xã hội hóa khoa học, công nghệ và đổi mới trong khu vực ASEAN.
Song song với việc thực hiện kế hoạch hành động mới theo APASTI, Hội nghị cũng đã nhất trí xem xét các phương thức tài chính mới để hỗ trợ phạm vi hoạt động STI rộng lớn hơn, bao gồm các sáng kiến đổi mới hướng vào các dự án như phòng chống sốt rét, thực phẩm, công nghệ sinh học biển, viễn thám và chương trình trao đổi các nhà khoa học trẻ.
Hội nghị cũng đề cập các vấn đề như thành lập quỹ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN, các tiêu chuẩn khoa học trong ASEAN, xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động STI của ASEAN trong giai đoạn 2015-2020 trong đó lồng ghép các nội dung của sáng kiến Krabi "Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo vì một ASEAN cạnh tranh, bền vững và hội nhập".
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết AMMST 15 đặt trọng tâm vào vấn đề làm thế nào để đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào đổi mới trong các doanh nghiệp và trong nền kinh tế để nâng cao sự cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của từng quốc gia trong các quốc gia thành viên.
Hội nghị cũng đặt trọng tâm vào vấn đề chuyển cơ chế hợp tác AMMST hiện nay từ Cộng đồng Văn hóa Xã hội (ASCC) sang Cộng đồng Kinh tế (AEC) cho phù hợp bởi khoa học và công nghệ phải đổi mới và gắn với kinh tế, xã hội để thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước.
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã có bài tham luận quan trọng ủng hộ các chương trình ưu tiên của STI, đóng góp ý kiến cụ thể vào các vấn đề bàn thảo tại Hội nghị, đưa ra đề xuất rằng nhóm tư vấn độc lập hiện nay của ASEAN cần có sự phối hợp và tham vấn từ các chuyên gia của các nước ASEAN để cùng nhau xây dựng dự thảo kế hoạch hành động. Đề xuất này đã được các nước ASEAN ghi nhận và ủng hộ.
Đặc biệt, Việt Nam đã đóng góp ý kiến vào việc xây dựng cơ chế hình thành Quỹ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN trên cơ sở Quỹ Khoa học (ASF) hiện nay để đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động của ASEAN.
Việt Nam cũng đã là một trong những nước hoàn thành nghĩa vụ cơ bản của mình là đóng góp 1 triệu USD cho quỹ ASF.
Thông qua cơ chế hợp tác ASEAN, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối thoại, đặc biệt là hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Ấn Độ, Australia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nội khối của khu vực thông qua Quỹ Khoa học ASEAN, các chương trình “ASEAN hỗ trợ ASEAN”, góp phần quan trọng vào việc bổ sung kiến thức, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, xây dựng năng lực khoa học và công nghệ, liên kết mạng lưới giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và các nước ASEAN khác, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập về khoa học và công nghệ với khu vực và thế giới./.