ASEAN tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ

Hơn 100 đại biểu từ các nước ASEAN tham dự Hội nghị COST 66 nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về khoa học công nghệ trong khu vực.

Ngày 9/11, Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 66 (COST 66) đã khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các nước ASEAN.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học và công nghệ trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột cộng đồng chính trị-an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa xã hội (ACSC) và tầm nhìn sau 2015.

Các đại biểu cũng thảo luận cách thức, nội dung xây dựng Chương trình hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN giai đoạn 2015- 2020 (APASTI), trong đó, xem xét việc tái cơ cấu lại COST theo hướng tích hợp sáu chương trình ưu tiên phát triển của ASEAN COST và Sáng kiến Krabi; xem xét chuyển cơ chế hợp tác AMMST/COST hiện nay từ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) sang AEC; và xem xét việc đổi tên Quỹ Khoa học ASEAN thành Quỹ Khoa học Công nghệ và Đổi mới ASEAN (ASTIF).

Hiện nay, Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN đang trong giai đoạn thực hiện các chương trình ưu tiên phát triển của ASEAN bao gồm các vấn đề an ninh lương thực đến năm 2013, hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm nhẹ thiên tai, nhiên liệu sinh học, ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2015.

Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí và đang cùng nhau tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động KH&CN và Đổi mới của ASEAN giai đoạn 2015-2020, trong đó lồng ghép các nội dung của sáng kiến Krabi "Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo vì một ASEAN cạnh tranh, bền vững và hội nhập" và mục tiêu, chiến lược hành động của AEC.

Tại lễ khai mạc Hội nghị COST 66 cũng đã diễn ra lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN COST luân phiên. Theo đó, Brunei kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN COST (2012-2013) và Malaysia tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN COST 2013-2014.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị, Phó giáo sư-tiến sỹ Mai Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết ngay từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về Khoa học và Công nghệ với các nước ASEAN như tham gia đầy đủ Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN hàng năm, Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN, các Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban, Nhóm công tác trực thuộc COST.

Việt Nam cũng tích cực tham gia các dự án hợp tác của ASEAN về công nghệ sinh học, năng lượng mới và năng lượng tái sinh, công nghệ viễn thám, khoa học biển, công nghệ thông tin và vi điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt nghĩa vụ của một nước thành viên, đóng góp kinh phí cho Quỹ Khoa học ASEAN (ASF).

Thông qua cơ chế hợp tác ASEAN, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đặc biệt là hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Ấn Độ, Australia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nội khối của khu vực thông qua Quỹ Khoa học ASEAN, các chương trình “ASEAN hỗ trợ ASEAN,” góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy giao lưu, kết nối mạng lưới giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và các nước ASEAN, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, tăng cường tiềm lực Khoa học và Công nghệ, và góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế về Khoa học và Công nghệ của Việt Nam với khu vực và thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục