Là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19, các quốc gia khu vực Đông Nam Á vẫn ghi nhận số ca mắc mới tăng nhưng với đà chậm hơn trước đó.
Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng hoặc dỡ bỏ tại một số nước như Malaysia, Thái Lan... Hoạt động kinh tế cũng dần mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, những tác động do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan cùng tình trạng gián đoạn toàn cầu đối với hoạt động thương mại, du lịch và sản xuất vẫn đang đe dọa các nền kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong bối cảnh đó, các chính phủ khu vực đã tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Kể từ tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các khoản cho vay và giảm thuế.
Ngân hàng Tiết kiệm Chính Phủ Thái Lan (GSB) đã phân bổ 150 tỷ baht (4,5 tỷ USD) cho các khoản vay lãi suất thấp.
GSB sẽ cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp 0,01%, rồi những ngân hàng này sẽ cấp các khoản vay với lãi suất 2% cho các doanh nghiệp.
[COVID-19: Việt Nam ít bị tác động nhất so với các nước trong ASEAN]
Các doanh nghiệp có thể được hưởng mức lãi suất nêu trên với 20 triệu baht (612.000 USD) tiền vay đầu tiên trong hai năm đầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình “Good Exporters” (Nhà xuất khẩu tốt) có thể nhận được tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong vòng 15 ngày, ngắn hơn một nửa so với khoảng thời gian chờ hoàn tiền kéo dài 30 ngày như thông thường.
Song chính sách này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp khai thuế VAT thông qua hệ thống nộp đơn điện tử.
Đối với các doanh nghiệp nộp tờ khai giấy, họ có thể nhận được tiền hoàn thuế VAT trong vòng 45 ngày so với 60 ngày trước đó.
Chính phủ Indonesia cũng đã mở rộng chương trình phục hồi kinh tế quốc gia dựa trên các gói cứu trợ đưa ra hồi tháng 2 -3/2020.
Trong chương trình mới nhất, Indonesia sẽ phân bổ 123.000 tỷ rupiah (8,3 tỷ USD) để ưu đãi thuế cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% cho năm 2020 và 2021. Sang năm 2022, tỷ lệ trên sẽ tiếp tục giảm xuống 20%.
Chính phủ sẽ thu thuế thu nhập 0,5% đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu hàng năm là 4,8 tỷ rupiah (326.000 USD) trong giai đoạn từ tháng 4-9/2020.
Thuế thu nhập cho 18 lĩnh vực, bao gồm từ nông-lâm-ngư nghiệp đến dịch vụ, tài chính và bảo hiểm, cũng sẽ được giảm 30% trong cùng khoảng thời gian.
Tính đến tháng Sáu, Malaysia đã triển khai 4 gói kích thích kinh tế, trong đó gói thứ tư có tên gọi PENJANA, chủ yếu nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài việc tăng cường thu hút các công ty nước ngoài chuyển địa điểm hoạt động sang Malaysia thông qua ưu đãi thuế, Chính phủ nước này cũng khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong nước với nhiều ưu đãi như giảm thuế thu nhập lên tới 20.000 ringgit (4.670 USD) mỗi năm trong ba năm đầu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được thành lập trong khoảng thời gian từ ngày 1/7-31/12/2020.
Bên cạnh các ưu đãi về thuế, gói kích thích cũng bao gồm các biện pháp tài chính và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Để giảm thiểu các trở ngại về dòng tiền của các SME, các ngân hàng sẽ cung cấp các khoản vay có tổng trị giá 2 tỷ ringgit (tương đương 467 triệu USD) với lãi suất 3,5% cho những doanh nghiệp này. Mỗi doanh nghiệp đủ điều kiện có thể vay tối đa 500.000 ringgit (116.000 USD).
Ngoài ra, các doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME) cũng được Chính phủ hỗ trợ thông qua những khoản vay có tổng trị giá 400 triệu ringgit (93 triệu USD) với lãi suất 3,5%. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể vay tối đa 50.000 ringgit (1.600 USD).
Chính phủ Lào hồi tháng Tư cũng đã đưa ra các biện pháp giảm thuế nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp MSME sẽ được miễn thuế thu nhập trong ba tháng (4 -6/2020).
Các doanh nghiệp đã nộp trước thuế thu nhập cho những tháng nêu trên có thể sử dụng các khoản đã nộp để khấu trừ cho các tháng tiếp theo.
Người lao động ở cả khu vực công lẫn tư kiếm được dưới 5 triệu kip (559 USD)/năm trở xuống cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân (PIT) trong ba tháng nêu trên.
Nhân viên có thu nhập vượt ngưỡng này sẽ được miễn thuế đối với 5 triệu kip (559 USD) đầu tiên rồi sẽ bị đánh thuế theo tỷ lệ lũy tiến từ 10-15%.
Singapore đã công bố gói kích thích kinh tế thứ tư có tên “Ngân sách Kiên cường” trị giá 33 tỷ SGD (khoảng 23,5 tỷ USD), tập trung chủ yếu vào vấn đề việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp SME.
Singapore sẽ kéo dài việc hỗ trợ thuê mặt bằng cho các SME. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ Singapore cũng cung cấp thêm khoản tiền 285 triệu SGD hỗ trợ cho các doanh nghiệp này duy trì các hoạt động khởi nghiệp.
Đối với vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số, hơn 500 triệu SGD (359 triệu USD) sẽ được dành để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh kỹ thuật số.
Các cơ quan liên quan sẽ cung cấp khoản hỗ trợ 300 SGD (215 USD)/tháng trong vòng 5 tháng để khuyến khích các chủ cửa hàng tại các trung tâm ăn uống, chợ bình dân, quán cafe và các căng tin… sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về vấn đề việc làm, Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về dòng tiền, chi phí hoạt động và cung cấp tín dụng.
Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn bộ các doanh nghiệp chi trả thêm một tháng lương (được nhận vào tháng 10/2020) cho người lao động theo mức lương trả trong tháng 8/2020.
Gói “Ngân sách Kiên cường” cũng sẽ hỗ trợ đào tạo tay nghề nhằm tạo ra 40.000 vị trí việc làm, 25.000 vị trí thực tập sinh và 30.000 khóa đào tạo tay nghề.
Đáng chú ý, trong gói kích thích kinh tế thứ tư này, Chính phủ Singapore đã tập trung khuyến khích các chủ lao động tuyển dụng thêm nhiều lao động người Singapore.
Đối với những người lao động Singapore từ 40 tuổi trở lên đủ điều kiện, chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 40% chi phí trả lương trong vòng 6 tháng, tối đa lên tới 12.000 SGD (8.616 USD), còn với người lao động Singapore dưới 40 tuổi, mức hỗ trợ là 20% cũng trong vòng 6 tháng, tối đa là 6.000 SGD (4.308 USD).
Tính tổng cộng 4 gói kích thích kinh tế được công bố đến nay, Chính phủ Singapore đã dành tới 92,9 tỷ SGD, tương đương 19,2% GDP của nước này, để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19./.