ASEAN sẽ nâng cấp các hiệp định thương mại để phục hồi kinh tế khu vực

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ thảo luận việc khôi phục nền kinh tế ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các chiến lược của ASEAN trong quan hệ kinh tế với các nước ngoài hiệp hội.
Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 16/3, Vụ trưởng Vụ Đám phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum cho biết Nhóm các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) muốn nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có và đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong tất cả các thành viên, nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo bà Auramon, tại Hội nghị hẹp lần thứ 28 (AEM Retreat 28) diễn ra từ ngày 16-17/3 theo hình thức trực tuyến, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ thảo luận việc khôi phục nền kinh tế ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các chiến lược của ASEAN trong quan hệ kinh tế với các nước ngoài hiệp hội.

[Cảnh báo tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với kinh tế ASEAN]

Bà Auramon cũng cho biết Campuchia, trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, mong muốn tất cả các nước thành viên ASEAN cùng phối hợp để bắt đầu đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và các FTA hiện có, đặc biệt là FTA ASEAN-Australia-New Zealand, cũng như đẩy nhanh việc thực thi RCEP đối với tất cả các thành viên.

Là FTA lớn nhất thế giới tính theo Tổng sản phẩm nội khối (GDP), RCEP có hiệu lực vào đầu năm nay sau khi được sự phê chuẩn của ít nhất 6 thành viên ASEAN và 3 quốc gia bên ngoài tham gia ký kết. Trong số các thành viên ASEAN, hiện chỉ còn Indonesia, Myanmar và Philippines chưa đệ trình phê chuẩn RCEP lên Ban Thư ký ASEAN.

RCEP là hiệp định đa phương đầu tiên bao gồm Trung Quốc và là FTA đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. 15 nước tham gia RCEP có tổng dân số gần 2,3 tỷ người (30,2% dân số thế giới), với 33,6% GDP thế giới và khoảng 30,3% thương mại toàn cầu.

FTA này được thiết kế nhằm xóa bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa và tiêu chuẩn hóa các quy tắc về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử, cùng các thực tiễn thương mại khác.

Hiệp định nhằm mục đích tạo ra một thị trường tích hợp cho 15 quốc gia thành viên, giúp các sản phẩm và dịch vụ của từng quốc gia trở lưu thông nên dễ dàng hơn trong khu vực.

Bộ Thương mại Thái Lan ước tính nước này sẽ có 39.366 mặt hàng được hưởng lợi từ việc giảm thuế, trong đó có 29.891 mặt hàng sẽ được hưởng mức thuế bằng 0 ngay sau khi RCEP được thực thi. Các mặt hàng khác dự kiến sẽ giảm dần thuế quan về 0 trong vòng 10-20 năm tới.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và ASEAN đạt 111 tỷ USD, tăng 17,1% so với năm trước đó.

Trong số đó, xuất khẩu chiếm 65 tỷ USD (tăng 17,2%) và nhập khẩu trị giá 45,8 tỷ USD (tăng 16,9%). Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Thái Lan bao gồm cao su và các sản phẩm từ cao su, máy tính và linh kiện, linh kiện điện tử và thức ăn cho vật nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục