Chương trình Phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường không khí (AIDP) đã chính thức được ra mắt tại Lào nhằm giúp các nước ASEAN tăng cường khả năng ứng phó với bệnh lao, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và khả năng ứng phó với đại dịch để giải quyết vấn đề về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp qua không khí đang ngày càng gia tăng.
Sáng kiến này được ra mắt tại sự kiện bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) lần thứ 16 với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN.
ASEAN cùng nhau ứng phó với đại dịch
Tiến sỹ Bounfeng Phoummalaysith - Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhấn mạnh, tại sự kiện các đại biểu đã cùng nhau nâng cao hiểu biết về bệnh lao và khả năng ứng phó với đại dịch trên khắp ASEAN, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan và cải thiện năng lực của các quốc gia trong việc giải quyết các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và không khí.
AIDP được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thực hiện bởi Stop TB Partnership và Stop TB Partnership Indonesia (STPI), một tổ chức phi chính phủ hoạt động hướng tới mục tiêu xóa bỏ bệnh lao. Chương trình này được các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ.
Hà Nội đẩy mạnh giám sát để phát hiện sớm các ca mắc bệnh truyền nhiễm
Hà Nội thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Theo Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2023, ước tính có hơn 2,4 triệu người trên khắp ASEAN bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Năm quốc gia ASEAN (Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) nằm trong danh sách có gánh nặng bệnh lao cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới các chương trình phòng ngừa và điều trị lao quốc gia khi lấy mất nhân sự và nguồn lực vốn cần thiết để điều trị lao. Theo ước tính, số ca tử vong do lao đã tăng thêm gần nửa triệu ca từ năm 2020 đến năm 2022.
Tiến sỹ Bounfeng Phoummalaysith - Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Chúng ta cần rút kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ tình huống tương tự nào trong tương lai, tạo nên một hệ thống y tế mạnh mẽ và kiên cường hơn."
Chương trình phòng chống lao có một số nguyên tắc quản lý phù hợp để áp dụng cho bất kỳ bệnh lây truyền qua không khí nào, chẳng hạn như các công cụ sàng lọc nhanh, theo dõi tiếp xúc, hệ thống kỹ thuật số và cộng đồng và hệ thống cảnh báo sớm. Thực tế cho thấy nhu cầu đầu tư vào các công nghệ nền tảng và tạo ra cơ sở hạ tầng có thể triển khai cho các đại dịch lây truyền qua đường không khí trong tương lai.
Với mục tiêu tăng cường hợp tác chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp qua không khí, AIDP sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng trên toàn cầu nhằm thống nhất các chính sách và phương pháp, cũng như trao đổi kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng, công nghệ nền tảng và nhân lực để tạo ra năng lực ứng phó đối với bệnh lao và tăng cường công tác phòng ngừa đại dịch.
Tình hình bệnh lao ở ASEAN đáng lo ngại
Giáo sư Tjandra Yoga Aditama - Cố vấn cấp cao của Stop TB Parnership Indonesia và Trưởng dự án AIDP khẳng định số ca tử vong cao do COVID-19 cho thấy thế giới không có sự chuẩn bị để chống lại đại dịch. Ngoài việc mất đi sinh mạng con người, COVID-19 còn tác động nghiêm trọng đến các chương trình phòng ngừa, tiếp cận và điều trị lao.
'Tình hình bệnh lao ở ASEAN khá đáng lo ngại, khi nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc kiểm soát và quản lý bệnh lao. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với ASEAN để tăng cường hệ thống ứng phó với bệnh lao, không chỉ nhằm tạo ra năng lực ứng phó cấp độ cao đối với bệnh lao mà còn tăng cường khả năng phòng ngừa đại dịch,” Giáo sư Tjandra Yoga Aditama chỉ rõ.
Trước khi tiến hành đánh giá toàn cảnh, AIDP sẽ tập trung vào việc tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch và bệnh lao ở mỗi quốc gia ASEAN, bao gồm cả ở cấp cộng đồng và chăm sóc ban đầu. Hoạt động này sẽ được thực hiện bằng cách nâng cao cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe hiện có để cải thiện khả năng phát hiện, điều trị và phòng ngừa; Tận dụng các công nghệ nền tảng đã phát triển kể từ đại dịch COVID-19, bao gồm máy chụp X-quang kỹ thuật số di động cho phép xét nghiệm được thực hiện tại địa phương mà không cần phải đến bệnh viện hoặc phòng khám, công nghệ nền tảng chẩn đoán phân tử nhanh và các công cụ giám sát kỹ thuật số theo thời gian thực. Các biện pháp phòng ngừa bệnh lao đa dạng này sẽ có lợi khi đối mặt với một đại dịch trong tương lai, mà khả năng cao là một bệnh truyền nhiễm qua không khí.
Tiến sỹ Suvanand Sahu - Phó giám đốc điều hành tổ chức Stop TB Partnership phân tích, giai đoạn đầu tiên trong dự án Chương trình phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường Không khí (AIDP) sẽ cải thiện mức độ hiểu biết của mọi người bằng cách tiến hành đánh giá toàn cảnh tại 10 quốc gia ASEAN. Đánh giá này sẽ phác thảo năng lực hiện tại của mỗi quốc gia trong việc ứng phó với bệnh lao và các đại dịch lây truyền qua không khí trong tương lai đồng thời đề xuất các hoạt động để đạt được sự chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch.
Sau đó, giai đoạn thứ hai của Chương trình sẽ hỗ trợ các hoạt động và sáng kiến chăm sóc sức khỏe ban đầu và dựa vào cộng đồng nhằm tăng cường năng lực chuẩn bị ứng phó với bệnh lao trên khắp ASEAN để giải quyết tốt hơn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đại dịch lây truyền qua không khí. USAID đã luôn cam kết giải quyết bệnh lao trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực ASEAN. Những nỗ lực của họ đã đạt tới đỉnh cao tại AIDP.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam cũng cho thấy gần 40% số người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị hoặc báo cáo. Ở cấp độ quốc gia, hơn 100.000 bệnh nhân lao được phát hiện mỗi năm, với tỷ lệ điều trị thành công trên 90%. Bệnh lao có tỷ lệ tử vong cao ở mức gần 15%, so với COVID-19 là 3,5%.
Nghiên cứu của Hogan và cộng sự (2020) cho thấy công tác phòng ngừa và điều trị bệnh lao bị ảnh hưởng đáng kể trong đại dịch COVID-19, khi tỷ lệ phát hiện các trường hợp mắc bệnh lao giảm, lây truyền bệnh lao trong hộ gia đình tăng lên, tỷ lệ tiêm vaccine BCG giảm và khả năng tiếp cận thuốc và xét nghiệm lao cũng giảm./.