Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 đã chính thức khép lại với màn bắn pháo hoa đầy sắc màu tại lễ bế mạc có chủ đề “Chúng ta cùng nhau chiến thắng” được tổ chức ở sân vận động Manahan thuộc thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java, Indonesia.
Buổi lễ kéo dài 2 giờ với các tiết mục múa hát hết sức sôi động do các nghệ sỹ Indonesia biểu diễn cùng phần diễu hành của các vận động viên khuyết tật trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng nghìn khán giả.
Buổi lễ còn có nghi thức hạ cờ, trao cờ luân lưu cho Campuchia và phần trình diễn đặc sắc của các nghệ sỹ múa truyền thống đến từ đất nước chùa Tháp.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) khẳng định Indonesia rất tự hào là nước chủ nhà của ASEAN Para Games 11, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới 1.248 vận động viên đến từ các nước ASEAN đã tham dự sự kiện thể thao khu vực này.
Tổng thống Jokowi nhấn mạnh rằng các vận động viên đã gửi thông điệp rằng những hạn chế và khó khăn không phải là trở ngại. Chỉ cần cam kết và làm việc chăm chỉ, người khuyết tật có thể đạt được “1 triệu thành tích."
Người đứng đầu nhà nước Indonesia cũng cho rằng tình đoàn kết giữa các quốc gia Đông Nam Á được thể hiện qua các vận động viên tại ASEAN Para Games 11 sẽ là “sức mạnh to lớn đối với khu vực và người khuyết tật."
[Đoàn Việt Nam lập “kỳ tích” tại ASEAN Para Games 2022]
Tại ASEAN Para Games 11, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam - với 153 thành viên, trong đó có 120 vận động viên - tham gia tranh tài ở 8/14 môn, bao gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo và bắn cung.
Tổng cộng, các vận động viên Việt Nam đã giành được 183 huy chương, trong đó 65 huy chương Vàng, 62 huy chương Bạc và 56 huy chương Đồng, vượt chỉ tiêu đặt ra (35-40 huy chương Vàng) và cao nhất kể từ kỳ khi đăng cai Đại hội vào năm 2003.
Đoàn Việt Nam đứng thứ 3 chung cuộc sau Indonesia và Thái Lan, tăng 1 bậc so với kỳ Đại hội gần nhất vào năm 2017.
Bơi lội, điền kinh và cờ vua chứng kiến các thành tích đặc biệt xuất sắc của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam, với lần lượt 27, 15 và 13 huy chương Vàng.
Ngoài nỗ lực vượt bậc của các vận động viên, đây là kết quả của sự quan tâm, đầu tư đúng đắn cho các môn thể thao trọng điểm dự Paralympic của thể thao Việt Nam.
Đặc biệt, trong lần trở lại ASEAN Para Games lần này sau 5 năm giải đấu liên tục bị hủy, hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các vận động viên Việt Nam đã phá 16 kỷ lục Đại hội, trong đó có những kỷ lục đã được duy trì từ năm 2007 và vượt số lượng kỷ lục từng thiết lập ở kỳ Đại hội trước ở Malaysia (10 kỷ lục).
Cụ thể, kình ngư Vi Thị Hằng phá 3 kỷ lục ở các nội dung 50m bơi tự do, 100m bơi ếch, và 100m bơi tự do.
Vận động viên Võ Huỳnh Anh Khoa thiết lập 2 kỷ lục mới ở các nội dung 100 bơi bướm và 100m bơi ngửa.
Kình ngư Lê Thị Dung phá 2 kỷ lục ở các nội dung 100m bơi tự do và 400 m bơi tự do.
Vận động viên Trịnh Thị Bích Như phá 2 kỷ lục ở các nội dung 50m bơi bướm và 100m bơi tự do.
Vận động viên Đỗ Thanh Hải thiết lập 2 kỷ lục ở các nội dung 50m bơi ếch và 100m bơi ếch, trong khi kình ngư Nguyễn Hoàng Nhã phá 1 kỷ lục ở các nội dung 100m bơi ngửa.
Đội tuyển bơi Việt Nam cũng phá 2 kỷ lục ở nội dung 4x50m bơi hỗn hợp với 20 điểm, nhờ công của bộ tứ Võ Thanh Tùng, Đỗ Thanh Hải, Danh Hòa và Lê Tiến Đạt; và nội dung 4x50m bơi tự do nhờ công của 4 kình ngư Nguyễn Thành Trung, Đỗ Thanh Hải, Danh Hòa và Lê Tiến Đạt.
Hai kỷ lục còn lại của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games được thiết lập ở môn cử tạ, nhờ công của 2 đô cử Châu Hoàng Tuyết Loan và Đặng Thị Linh Phượng.
ASEAN Para Games 11 được tổ chức từ ngày 30/7 đến ngày 6/8 tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java của Indonesia, gồm có 14 môn thể thao với 907 nội dung, quy tụ 1.286 vận động viên.
Các nội dung thi đấu tại Đại hội được tổ chức ở 3 địa điểm gồm thành phố Surakarta, huyện Karanganyar và thành phố Semarang./.