ASEAN, Nhật Bản bước vào kỷ nguyên mới về hợp tác phát triển bền vững

Tổng Thư ký ASEAN khuyến khích sự hợp tác giữa các bên tham gia khu vực tư nhân nhằm củng cố mạng lưới chuỗi cung ứng và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số đồng thời đảm bảo tính bền vững.
ASEAN, Nhật Bản bước vào kỷ nguyên mới về hợp tác phát triển bền vững ảnh 1Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn. (Nguồn: ASEAN)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 2/8, Đối thoại thường niên lần thứ 15 giữa Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn và Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại ASEAN (FJCCIA) đã diễn ra tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta.

Tại cuộc đối thoại, Tiến sỹ Kao Kim Hourn nhấn mạnh tính kịp thời của sự kiện khi năm nay đánh dấu 50 năm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

Để tôn vinh dịp đặc biệt này, ASEAN và Nhật Bản đã đồng ý xây dựng mối quan hệ đối tác mới dựa trên sự đổi mới và tính bền vững.

Tiến sỹ Kao hoan nghênh sự đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hiện thực hóa “Tầm nhìn đồng sáng tạo ASEAN-Nhật Bản,” khuyến khích sự hợp tác giữa các bên tham gia khu vực tư nhân nhằm củng cố mạng lưới chuỗi cung ứng và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số đồng thời đảm bảo tính bền vững.

Theo ông Hourn, FJCCIA, cơ quan đại diện cho hơn 7.300 doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại các Quốc gia thành viên ASEAN,  đã đưa ra 4 trụ cột chính trong "Tầm nhìn đồng sáng tạo ASEAN-Nhật Bản," phù hợp với Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF).

[Nhật Bản thúc đẩy ngoại giao tư pháp với các đối tác ASEAN]

Bốn trụ cột là hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, tiến tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn, và phát triển nguồn nhân lực.

Ông Hourn cho biết thêm rằng ASEAN đã bắt đầu đàm phán để nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh việc nâng cấp ATIGA sẽ nới lỏng các quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa, mở rộng việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và tài liệu không cần giấy tờ, đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như giúp thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trong khu vực, bao gồm cả giữa ASEAN và Nhật Bản. 

ATIGA có mục đích tạo ra dòng chảy tự do của hàng hóa trong khu vực, dẫn đến ít rào cản thương mại hơn và quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên.

Ngoài ra, hiệp định cũng tìm cách tạo ra chi phí kinh doanh thấp hơn, tăng cường thương mại, mở rộng thị trường và quy mô kinh tế cho các doanh nghiệp.

Thông qua ATIGA, Indonesia, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã loại 99,65% thuế nhập khẩu nội khối ASEAN, trong khi Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu xuống 0–5% đối với 98,86% các mặt hàng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục