ASEAN - Nhân tố hỗ trợ quan trọng cho Đối thoại an ninh bốn bên

Tác giả William Choong thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Singapore), cho rằng để Đối thoại an ninh 4 bên (Quad) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ có thể tồn tại cần sự hỗ trợ của ASEAN.
ASEAN - Nhân tố hỗ trợ quan trọng cho Đối thoại an ninh bốn bên ảnh 1(Nguồn: AFP)

Trang mạng của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia mới đây có đăng bài viết của tác giả William Choong, thành viên cao cấp của Đối thoại Shangri-La về an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Singapore), cho rằng để Đối thoại an ninh bốn bên (Quad) có thể tồn tại cần sự hỗ trợ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nội dung cụ thể như sau:

Việc phục hồi Quad, hay còn gọi là Đối thoại an ninh bốn bên (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ), được báo chí khu vực hết sức chú ý vào năm ngoái, thời điểm mà sự trỗi dậy và quyết đoán của Trung Quốc đã tạo ra nhiều lo ngại trong khu vực.

Tại Đối thoại Shangri-La mới đây, lúc đầu nhiều người tưởng rằng các bộ trưởng quốc phòng Quad sẽ nhắc tới cơ chế này, song đến cuối cùng họ vẫn không đề cập tới.

[ASEAN thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và ổn định khu vực]

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề cập tới "trật tự dựa trên quy tắc chung" là dựa trên chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đối thoại.

Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng chỉ nhắc tới “trật tự dựa trên quy tắc chung” sẽ được áp dụng cho tất cả các nước và toàn cầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đề cập khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” có thể mang lại thịnh vượng cho tất cả các nước trong khu vực.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nói về “trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc” trên cơ sở sự đồng thuận chung về các quy tắc. Cả 4 lãnh đạo đều không hề đề cập đến Quad.

Khi được hỏi về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Mattis nhấn mạnh rằng cả 4 nền dân chủ có một "đặc điểm chung", đó là việc thảo luận nghiêm túc về sự ổn định, điều hướng cởi mở và giải quyết tranh chấp trong hòa bình. Đối với vấn đề Quad, ông Mattis nói rằng ông đã không đề cập tới khái niệm này để giảm độ dài bài phát biểu của mình.

Các nguyên tắc căn bản của Quad là thẳng thắn và có thể chấp nhận được với hầu hết các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đó là trật tự dựa trên quy tắc, tự do hàng hải và do thám trên không, tôn trọng luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, có thể hiểu được tại sao các bộ trưởng lại không đề cập tới Quad trong cuộc đối thoại lần này. Để có thể tồn tại, Quad cần sự hỗ trợ của ASEAN; và để được hỗ trợ, việc hình thành nhóm này không nên được coi như một hình thức "ngăn chặn mềm" đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ASEAN lo ngại bất kỳ việc hình thành nhóm đa phương mới nào như Quad có thể làm suy yếu tính trung tâm và đoàn kết của tổ chức, và có thể được sử dụng để kiềm chế Trung Quốc. Khi cả 4 nước trên đều không đề cập tới Quad, nếu không phải có sự phối hợp ngầm giữa 4 vị bộ trưởng Quad trong đối thoại thì cũng là một sự trùng hợp đáng kể.

Nhìn lại quá trình hình thành Quad, vào năm 2007, đối thoại bốn bên này tưởng chừng chết yểu khi Australia tuyên bố rút lui trước sự phản đối của Trung Quốc.

Tháng 11/2017, các quan chức cấp cao Quad đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á để thảo luận về các mục tiêu chung.

Tháng 5/2018, việc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy sự chuyển đổi sang quy mô lớn hơn.

Trong trung hạn, Quad cần tập trung vào 2 thách thức lớn: đưa ra một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia nợ nặng từ việc tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và ngăn cản Trung Quốc quân sự hóa hơn nữa ở Biển Đông.

Thách thức khó khăn nhất là có được sự đảm bảo từ ASEAN. Trên thực tế, ASEAN luôn là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh chủ chốt.

Trong bài phát biểu của mình, ông Modi đã nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ASEAN trong hội nhập khu vực.

Sách Trắng Đối ngoại năm 2017 của Australia cũng nhấn mạnh ASEAN, nằm trong hướng tiếp cận lên phía Bắc của Australia, có “ý nghĩa sâu sắc” và cốt lõi trong kiến trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tương tự, Nhật Bản coi ASEAN là khu vực hợp lưu của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà nghiên cứu Evan Laksmana trong bài viết đăng trên diễn đàn của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược cho rằng quan niệm của Indonesia về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không thách thức khái niệm “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Nhật Bản và Mỹ; Jakarta cũng không phản đối các thỏa thuận như Quad.

Ngoài ra, Jakarta không muốn bất kỳ thỏa thuận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nào làm xói mòn tính trung tâm của ASEAN hoặc ngăn chặn các quốc gia khác như Trung Quốc.

Quad có thể thích nghi với nguyên tắc này. Cả Modi, Mattis, Onodera và Payne đều nhấn mạnh rằng tính trung tâm của ASEAN là rất quan trọng.

Các thành viên Quad cũng có thể nói rằng không có gì ngăn cản yếu tố mới tham gia Quad+, miễn là nước nào tham gia cần tuân thủ các luật lệ và nguyên tắc chung.

ASEAN vẫn có thể được thuyết phục tham gia Quad, nếu các thành viên Quad nói rõ rằng việc hình thành nhóm không hạn chế và sẽ không làm suy yếu ASEAN.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục