ASEAN kiểm điểm triển khai Kế hoạch về Cộng đồng Chính trị-An ninh

Theo Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, ngày 5/3 Hội nghị điều phối Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (ASCCO) lần thứ 11 đã diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN Jakarta, Indonesia.
ASEAN kiểm điểm triển khai Kế hoạch về Cộng đồng Chính trị-An ninh ảnh 1Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh chung. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN)

Theo Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, ngày 5/3 Hội nghị điều phối Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (ASCCO) lần thứ 11 đã diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN Jakarta, Indonesia.

Tham dự hội nghị có đại biểu 10 nước ASEAN, đại diện 18 cơ quan chuyên ngành, tổ chức của ASEAN liên quan đến triển khai Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) 2025, Uỷ ban Đại diện thường trực các nước ASEAN tại ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại ASEAN, làm trưởng đoàn, cùng tham dự có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tư pháp.

Đây là hội nghị thường niên nhằm kiểm điểm tiến độ và trao đổi các phương hướng, biện pháp triển khai Kế hoạch Tổng thể về APSC 2025.

Hội nghị ghi nhận hợp tác chính trị-an ninh ASEAN trong năm qua đạt được nhiều tiến triển tích cực trên cả 4 lĩnh vực chính của Kế hoạch Tổng thể, với 258 trên 290 dòng hành động đã được triển khai và đạt tỷ lệ 89%.

Việc triển khai các hoạt động đã góp phần tăng cường nhận thức và đem lại kết quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, củng cố nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật và cơ sở tư pháp nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN trên cơ sở luật lệ, lấy người dân làm trung tâm.

Cụ thể, các nước ASEAN đã hoàn tất phê chuẩn và đưa Hiệp ước chống buôn bán người ASEAN vào thực hiện, thông qua Văn bản Hướng dẫn hỗ trợ lãnh sự cho người dân ASEAN khác ở các cơ quan đại diện ASEAN tại nước thứ ba, lập trang điện tử tư pháp ASEAN, thành lập làn nhập cảnh cho công dân ASEAN tại một số sân bay quốc tế...

ASEAN cũng đã triển khai được nhiều hoạt động hợp tác về chống khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người, bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, an toàn và an ninh biển... với việc thông qua các văn kiện như nguyên tắc về hướng dẫn ứng xử hàng hải và Quy tắc về tiếp xúc máy bay quân sự; Kế hoạch hành động về ngăn ngừa và chống tư tưởng và bạo lực cực đoan; Các hình thức hợp tác tăng cường phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, cũng như các chương trình hỗ trợ và hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN (AHA) trong giải quyết vấn đề Rakhine.

Quan hệ và hợp tác của ASEAN với các đối tác tiếp tục được tăng cường hiệu quả và mở rộng. Vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và các cơ chế hợp tác khu vực tiếp tục được khẳng định và coi trọng.

Tháng 11/2018, ASEAN đã nâng cấp quan hệ đối thoại ASEAN-Nga lên Đối tác Chiến lược và nhất trí về nguyên tắc đối với việc đưa quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác Chiến lược...

Hiện nay, nhiều nước bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN như Banglades, Srilanca, Maroco, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Chile và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Ngoài ra, hiện đã có 90 nước và tổ chức cử Đại sứ tại ASEAN, cũng như 54 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba được thiết lập tại thủ đô các nước ngoài khu vực và những nơi có trụ sở các tổ chức quốc tế lớn.

Các cơ chế và khuôn khổ hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+1, ASEAN+3 với ba nước Đông Bắc Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM Cộng)... tiếp tục khẳng định giá trị và vai trò trong việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định và an ninh.

Hội nghị cũng ghi nhận những tiến triển tích cực trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Các nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Về phương hướng thời gian tới, Hội nghị nhất trí trên cơ sở kết quả và phân tích nguyên nhân cho các hạn chế, các nước thành viên cùng các cơ quan chuyên ngành cần tiếp tục nỗ lực tiếp tục triển khai hiệu quả tất cả các dòng hành động của Kế hoạch tổng thể APSC 2025, gia tăng tính kết nối giữa các trụ cột cộng đồng ASEAN.

Hội nghị cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là trong triển khai các vấn đề liên ngành, liên trụ cột. Hội nghị nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận và xây dựng Quy chế hoạt động của Nhóm cơ quan chuyên ngành chủ trì các vấn đề liên ngành và xây dựng khung đánh giá tác động và hiệu quả của việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể về cả lượng và chất.

Kế hoạch Tổng thể APSC 2025 được thông qua ngày 21/11/2015 với mục tiêu xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN đến năm 2025 trên 4 lĩnh vực chính gồm: Một Cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; Một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định; ASEAN giữ vai trò trung tâm trong một khu vực năng động và rộng mở hợp tác với bên ngoài; Năng lực thể chế được tăng cường thông qua việc cải tiến bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức người dân… Kế hoạch Tổng thể APSC 2025 là một trong bảy văn bản nòng cốt thuộc bộ văn kiện “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục