ASEAN hướng tới vị thế tâm điểm tăng trưởng toàn cầu

Thứ trưởng Thương mại Indonesia nhấn mạnh với tư cách là quốc gia lớn nhất và là động lực chính của ASEAN, Indonesia sẽ đưa khu vực Đông Nam Á hướng tới một vị thế cao hơn trong cộng đồng quốc tế.
Ápphích cổ động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 tại Vòng xoay trung tâm HI ở thủ đô Jakarta. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga khẳng định Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng, và nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia là cột mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa ASEAN như một trung tâm tăng trưởng của cả khu vực và toàn cầu.

Trong một tuyên bố ngày 13/4, ông Jerry nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN không thể tách rời tiềm lực kinh tế, cả trên góc độ sản xuất lẫn tiềm năng thị trường.

Trong khi đó, với tư cách là quốc gia lớn nhất và là động lực chính của ASEAN, Indonesia sẽ đưa khu vực Đông Nam Á hướng tới một vị thế cao hơn trong cộng đồng quốc tế.

[ASEAN thúc đẩy an ninh năng lượng điện bền vững và kết nối khu vực]

Theo ông Jerry, điều này xuất phát từ vai trò tiên phong của Indonesia trong các hiệp định có sự tham gia của ASEAN, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bản thân RCEP cũng là khối kinh tế và thương mại lớn thứ hai toàn cầu sau Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ trưởng Jerry nhắc lại rằng Indonesia được biết đến là quốc gia khởi xướng và tiên phong trong hiệp định có sự tham gia của 15 quốc gia này và nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay sẽ là một động lực để Indonesia chứng tỏ vai trò tiên phong và dẫn dắt của mình.

Ông Jerry nhấn mạnh: “Indonesia, ASEAN và RCEP là 3 điều không thể tách rời. Chúng tôi chắc chắn rằng ASEAN sẽ là tâm điểm tiếp tục phát triển với những tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và mạng lưới thị trường.”

Cũng theo ông Jerry, tài nguyên thiên nhiên, con người và thị trường lớn này cần được hỗ trợ bởi việc làm chủ công nghệ. Nếu đạt được điều này, các nước ASEAN không chỉ trở thành tác nhân hỗ trợ mà còn là tác nhân chính đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

ASEAN sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản quan trọng như nickel, thiếc, zircon, cadmium - thành phần chính của các công nghệ tương lai. ASEAN cũng có thế mạnh về các nguồn năng lượng gió, Mặt Trời và nhiên liệu sinh học.

Theo ông Jerry, “quyền lực” này cần được sử dụng như một vị thế thương lượng chuyển giao công nghệ để ASEAN không bị tụt hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục