ASEAN góp phần định hình "Con đường Tơ lụa mới"

Chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ và những nước thành viên ASEAN đang góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của Con đường Tơ lụa mới.
Cách đây hơn 2.000 năm, "Con đường Tơ lụa" đã nối liền Trung Quốc cổ đại với đế chế La Mã, mở rộng công cuộc trao đổi văn hóa, tôn giáo và kinh tế-chính trị khắp vùng châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Trong lúc tầm quan trọng của Con đường Tơ lụa nguyên thủy suy yếu thì tầm quan trọng của các thị trường châu Á đang trỗi dậy.

Theo ông John Pang, Tổng Giám đốc Học viện Nghiên cứu CIMB Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong lúc con đường tơ lụa cổ xưa được sử dụng chủ yếu để vận chuyển tơ lụa, con đường mới ngày nay có khác với trước, song cũng không kém phần quan trọng.

Ông Pang cho rằng con đường mới ngày nay hình thành do các tuyến đường xe lửa cùng các tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt, mở cửa miền Trung Á và tạo rất nhiều cơ hội cho công cuộc kinh doanh.

Chính khu vực tư nhân đã chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của Con đường Tơ lụa mới, trong khi chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và những nước thành viên ASEAN cũng góp phần hỗ trợ.

Mỹ đã loan báo kế hoạch con đường tơ lụa của mình, mệnh danh là "Chiến lược Con đường Tơ lụa mới."

Tuy nhiên, Ben Simpfendorfer, Giám đốc Hiệp hội Con đường Tơ lụa nói ông không chắc là chiến lược của Mỹ, vốn chú trọng vào Afghanistan, sẽ hoạt động hữu hiệu vì tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này hiện đã thu hẹp lại.

Giới phân tích còn cho rằng Mỹ sẽ cần phải chấp nhận vai trò đầy ảnh hưởng của những nước như Pakistan và Iran.

Về phương diện địa lý, bất kỳ con đường thương mại nào nối Trung Quốc với Trung Đông cũng đều phải đi ngang qua Iran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục