Các công ty Trung Quốc tiến vào lĩnh vực công nghệ cao của Đông Nam Á dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho khu vực này.
Đây là nhận định do Giám đốc Tài chính của ngân hàng United Overseas Bank (UOB), ông Lee Wai Fai, đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã ngày 14/8, bên lề sự kiện ngày Doanh nghiệp của ngân hàng.
Theo ông, xu hướng đó không chỉ mang lại sự ổn định mà còn giúp gia tăng giá trị khi các công ty Trung Quốc chuyển từ tìm kiếm lao động giá rẻ sang phát triển sản xuất công nghệ cao và hướng tới nhóm khách hàng giàu có ngày càng gia tăng trong khu vực.
Ông Lee lưu ý rằng các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Thái Lan, Malaysia và Singapore đã được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc thoái vốn khỏi các lĩnh vực công nghệ thấp và tăng cường chuyển sang các lĩnh vực công nghệ cao.
Một trong những yếu tố thúc đẩy động thái trên là lực lượng lao động lành nghề, sự hội nhập khu vực và liên kết giao thông thuận lợi. Dựa trên những yếu tố đó, các công ty Trung Quốc đã đưa Malaysia thành một trung tâm công nghệ, trong khi Thái Lan và Singapore đã trở thành các nhà phân phối quan trọng.
Với chủ đề "Xây dựng tương lai của ASEAN", ngày Doanh nghiệp UOB quy tụ các nhà phân tích tài chính, nhà đầu tư và giới truyền thông để cùng phản ánh các xu hướng trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của UOB, cho biết các xu hướng lớn thúc đẩy tăng trưởng khu vực Đông Nam Á bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, số hóa, phát thải ròng bằng 0 và tầng lớp trung lưu gia tăng.
Theo ông, những xu hướng trên sẽ giúp Đông Nam Á trở thành sân chơi năng động cho làn sóng phát triển lớn tiếp theo./.
ASEAN tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc
So sánh tương quan, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 15 năm liên tiếp và ASEAN đã vươn lên giành vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong bốn năm liên tiếp.