ASEAN đối mặt với “tổn thất chiến tranh” từ cuộc khủng hoảng Ukraine

ASEAN đối mặt với “tổn thất chiến tranh” từ khủng hoảng Ukraine

Mặc dù các nhà phân tích cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine với nền kinh tế của ASEAN là không mấy nghiêm trọng, song họ cũng lưu ý rằng một cuộc xung đột kéo dài và gây hại cho EU.
ASEAN đối mặt với “tổn thất chiến tranh” từ khủng hoảng Ukraine ảnh 1Một trung tâm thương mại ở Thái Lan. (Nguồn: AsMag)

Trang mạng asia.nikkei.com đưa tin, cuộc xung đột Nga và Ukraine đang đe dọa sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á sau đại dịch - nếu không phải trực tiếp thì cũng là gián tiếp khi phải xử lý những thiệt hại từ châu Âu.

Mặc dù các nhà phân tích cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đối với nền kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là không mấy nghiêm trọng, song họ cũng lưu ý rằng một cuộc xung đột kéo dài và gây hại cho Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ gây ra những hiệu ứng lan tỏa, tác động đến mọi lĩnh vực, từ thương mại cho đến du lịch.

Ngân hàng Maybank của Malaysia tháng này vừa cảnh báo về “tổn thất chiến tranh” mà ASEAN phải hứng chịu từ cuộc xung đột này cũng như các lệnh trừng phạt kéo theo với Nga.

Báo cáo của Maybank nhấn mạnh: “Một sự suy thoái lớn hơn của châu Âu sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng của ASEAN. Các nước EU chiếm khoảng 9% kim ngạch xuất khẩu của ASEAN và hơn 11% đối với Việt Nam và Philippines.”

Báo cáo nói thêm rằng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ EU chiếm tới 11% tổng FDI vào ASEAN.

Đối với Singapore, các chuyên gia phân tích Chuk Hak Bin và Lee Ju Ye lưu ý rằng EU chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nội địa ngoài dầu mỏ của trung tâm tài chính này. Họ cũng giảm mức dự báo tăng trưởng GDP của đất nước này từ 3,8% xuống còn 2,8% trong năm nay “do tăng trưởng toàn cầu và EU cũng giảm, giá năng lượng tăng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.”

Các chuyên gia này nhấn mạnh rằng “chúng tôi còn lo ngại nhiều hơn nếu như tình trạng giảm tốc ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng và EU có nguy cơ sẽ rơi vào suy thoái.”

Tương tự công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley Asia tháng này cũng hạ thấp các dự báo triển vọng tăng trưởng cho Singapore từ 4,8% xuống còn 3,7%, Thái Lan từ 4,3 xuống còn 3,3% và Philippines từ 7,5 xuống 7%.

[Cảnh báo tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với kinh tế ASEAN]

Tập đoàn DBS mới đây cũng vừa nâng mức cảnh báo tương tự về các nguy cơ xảy ra “hiệu ứng nhỏ giọt” tại ASEAN. Các nhà kinh tế của ngân hàng Singapore nhận định rằng “về mặt thương mại trực tiếp, các mối liên kết tổng thể của khu vực với Nga và Ukraine khá hạn chế, Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng không đáng kể trong xuất khẩu và nhập khẩu của ASEAN, nhưng những thiệt hại kinh tế đối với xuất khẩu của ASEAN có thể xuất phát từ sự suy thoái trên diện rộng của châu Âu, nếu xung đột kéo dài."

Cùng lúc, đội ngũ của DBS cũng nhấn mạnh một số rủi ro trực tiếp từ “sự phụ thuộc hàng hóa cụ thể.” Chua Han Teng, Radhika Rao và Irvin Seah viết rằng nếu xét về vai trò của Nga và Ukraine - những nhà xuất khẩu lúa mì quan trọng, và Ukraine còn là nhà xuất khẩu ngô lớn, Indonesia và Philippines có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ những cú sốc về nguồn cung ứng lúa mỳ, còn Việt Nam thì bị tác động bởi những gián đoạn về nguồn cung ngô.

Ngoài ra với Philippines, các nhà phân tích còn nhấn mạnh rằng giá dầu tăng cao có thể gây tổn hại cho “tỷ lệ trao đổi (khoảng 1,4% GDP danh nghĩa), gây sức ép lên tình trạng thâm hụt thương mại vốn đã ở mức kỷ lục và cả đồng Peso của nước này.

Ngành du lịch cũng là một lĩnh vực đáng lo ngại, trong bối cảnh các nước ASEAN bắt đầu khôi phục ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19. Chính phủ các nước trong khu vực đã lần lượt nới lỏng những hạn chế tại các đường biên giới để nỗ lực tạo điều kiện phát triển nền kinh tế.

Thái Lan mới đây đã thông báo rằng khách du lịch sẽ không còn cần phải chứng minh họ không mắc COVID-19 trước khi thực hiện các chuyến bay vào đất nước họ, bắt đầu từ ngày 1/4.

Philippines và Việt Nam cũng đã mở cửa du lịch, còn Malaysia sẽ làm điều tương tự vào đầu tháng tới, mặc dù các nước này vẫn yêu cầu xét nghiệm. Singapore sẽ cho phép khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ từ tất cả mọi quốc gia được nhập cảnh mà không phải cách ly từ ngày 1/4.

Wellian Wiranto, một nhà kinh tế học tại Tập đoàn Ngân hàng Trung Quốc Hải ngoại, mới đây nhận định: “Đợt nới lỏng mới nhất này đánh dấu sự loại bỏ đồng bộ và mạnh mẽ nhất các quy định về nhập cảnh của khu vực. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề hiện đang có triển vọng phục hồi tốt nhất trong hai năm qua."

Tuy nhiên, chiến tranh, ở một chừng mực nào đó, có thể đập tan hy vọng này.
Maybank lưu ý rằng trước đại dịch, người châu Âu chiếm tỷ lệ khách du lịch lớn nhất Thái Lan, ít nhất là 17%. Họ cũng chiếm 13% số người nhập cảnh vào Indonesia và 11% vào Singapore. Tuy nhiên, một nền kinh tế châu Âu ngày càng đi xuống và sức ép lạm phát tăng có thể làm giảm nhu cầu du lịch của người dân châu Âu.

ASEAN đối mặt với “tổn thất chiến tranh” từ khủng hoảng Ukraine ảnh 2Hành khách tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok của Thái Lan, ngày 1/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Maybank cho rằng Nga còn đặc biệt đặt ra một nguy cơ trực tiếp đến triển vọng du lịch Thái Lan, bởi nước này “tạo ra 5,4% thu nhập từ du lịch cho Thái Lan, chỉ đứng sau Trung Quốc (28%) và Malaysia (5,6%).” Ngân hàng Malaysia đã quan sát thấy rằng “khách du lịch Nga đã hủy các chuyến du lịch đến Thái Lan vì đồng ruble sụt giá, các chuyến bay bị hủy và nhiều khó khăn trong việc đổi tiền.”

Công ty quản lý tài sản của Pháp Amundi trong tháng này đã cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát kèm suy thoái cao - kết hợp với tăng trưởng kinh tế chậm và giá cả tăng - và một cuộc suy thoái ngắn hạn có thể sẽ xảy ra trong năm nay.

Amundi cho biết: “Chúng tôi dự đoán lạm phát của khu vực đồng Euro sẽ vẫn ở mức cao trong năm, đặc biệt đối với năng lượng và thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhu cầu và sản xuất. Triển vọng kinh tế đã xấu đi và kịch bản khả thi hiện khá bi quan, với mức tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn - đặc biệt là ở châu Âu trong ngắn hạn."

Các hãng khác cũng đã hạ thấp các dự báo tăng trưởng. Hãng xếp hạng tín dụng Fitch trong tháng này đã hạ mức dự báo GDP thế giới cho năm 2022 của họ 0,7 điểm phần trăm, xuống còn 3,5%, trong đó khu vực đồng Euro bị giảm 1,5 điểm xuống còn 3,0%.

Với lưu ý rằng Nga cung cấp khoảng 1/4 lượng năng lượng tiêu thụ tại khu vực đồng euro trong năm 2019, nhà kinh tế trưởng của Fitch Brian Coulton nhận định rằng "tình trạng thiếu hụt hoàn toàn và xáo trộn trong phân bổ năng lượng ở châu Âu có thể xảy ra nếu nguồn cung của Nga bị ngừng đột ngột."

Khi giá năng lượng và thực phẩm tăng, các chuyên gia cho rằng điều đó sẽ gây tác động xấu đến sự phục hồi kinh tế ASEAN. Chuyên gia Enrico Tanuwidjaja của Ngân hàng UOB của Singapore hồi tháng này đã viết: “Nhiều nghiên cứu mà chúng tôi thu thập được cho thấy có một mối liên kết lâu dài và đáng kể giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế được đo bằng tốc độ tăng trưởng GDP. Một nghiên cứu về Indonesia cho thấy đối với mỗi điểm phần trăm lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế bị giảm 0,08 điểm phần trăm, vì vậy lạm phát càng cao sẽ khiến tăng trưởng kinh tế càng chậm.”

Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho biết áp lực lạm phát có khả năng gia tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế mà giá nhiên liệu và giá điện có tỷ trọng lớn hơn trong giỏ tiêu dùng hoặc nơi mà nhiên liệu nhập khẩu chiếm ưu thế, chẳng hạn như Lào, Philippines và Việt Nam. Điều này sẽ khiến các chính phủ ASEAN rơi vào tình thế ngặt nghèo sau hai năm đau đớn vì đại dịch. Moody's lưu ý: "Các chính phủ sẽ phải chịu thêm sức ép để gia tăng trợ cấp, khiến áp lực tài khóa càng lớn hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục