Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tập trung tăng cường sử dụng công nghệ số để mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên.
Bà Auramon Supthaweethum - Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan - cho biết ASEAN cũng sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với sáu “đối tác đối thoại” với mục tiêu thiết lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới hoặc mở rộng các hiệp định hiện có.
Bà Auramon khẳng định các quan chức kinh tế cấp cao của ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại - gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Canada - đã gặp nhau ở Jakarta (Indonesia) hồi cuối tháng trước để thảo luận và sẽ đệ trình báo cáo về tiến trình đàm phán FTA trước Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào tháng Tám tới.
Theo bà Auramon, một mục tiêu quan trọng là đẩy nhanh quá trình đàm phán FTA đang được tiến hành.
Trong khi đó, ông Duangarthit Nidhi-u-tai - Phó Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan - nhấn mạnh trọng tâm của những cuộc đàm phán hồi tháng trước tại Jakarta là về các mục tiêu sẽ hoàn thành trong năm 2023, bao gồm kết thúc đàm phán FTA giữa ASEAN-Australia-New Zealand, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, thiết lập khuôn khổ cho Hiệp định Kinh tế số ASEAN để các nhà lãnh đạo có thể thông báo bắt đầu đàm phán về hiệp định này trong năm nay.
[Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á có thể cán mốc 1.000 tỷ USD]
Ngoài ra, các bên còn thảo luận về biện pháp đẩy nhanh các quy trình nội bộ để các nước thành viên có thể ký kết các thỏa thuận kinh tế đã hoàn thiện, chẳng hạn như Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về Di chuyển thể nhân và Khung pháp lý an ninh lương thực ASEAN, đồng thời thúc đẩy đàm phán để tăng cường Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và báo cáo tiến độ vào tháng Tám.
ASEAN đã và đang giám sát quá trình áp dụng các hệ thống công nghệ số để mở rộng thương mại, bao gồm phát triển nền tảng giúp đơn giản hóa việc tìm kiếm các loại thuế hải quan, các biện pháp phi thuế quan và thông tin liên quan trên toàn khu vực.
ASEAN cũng đang lên kế hoạch triển khai hệ thống mã số nhận dạng doanh nghiệp duy nhất, liên kết các số đăng ký doanh nghiệp nhằm tạo niềm tin cho những hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Ông Duangarthit cho hay ASEAN cũng đang thúc đẩy áp dụng đầy đủ Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử để giảm thiểu thủ tục giấy tờ.
Ông Duangarthit lưu ý tại cuộc họp hồi tháng trước ở Jakarta, “những cuộc thảo luận cũng đã được tổ chức với các đối tác thương mại, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Canada,” đồng thời khẳng định các cuộc đàm phán “nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mới nổi, chẳng hạn như nền kinh tế số và thương mại điện tử, nền kinh tế tuần hoàn, lao động và môi trường.”
Theo ông Duangarthit, đàm phán FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã đạt được bước tiến đáng kể, trong khi những cuộc thảo luận với Canada đang tiếp tục. ASEAN đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại nội khối lên mức 1.200 tỷ USD vào năm 2025./.