"ASEAN đẩy mạnh kết nối khu vực, tăng quan hệ đối tác"

Hội nghị AMM-46 và các hội nghị liên quan đã đẩy mạnh kết nối khu vực, đi đôi với tăng cường quan hệ với các đối tác của ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM-46) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei từ ngày 30/6 đến 2/7 đã thành công tốt đẹp và đạt được các kết quả mong đợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả của hội nghị, Vietnam+ trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị liên quan?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đây là đợt các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác quan trọng nhất trong năm.

Trong bốn ngày, từ ngày 29/6 đến 2/7 đã diễn ra một loạt các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM-46), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN với Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, New Zealand, Nga và Mỹ, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 20 (ARF-20).

Dịp này cũng đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hạ nguồn Mekong-Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao các nước hạ nguồn Mekong với các nước bạn bè và Bộ trưởng Ngoại giao các nước khu vực sông Mekong và sông Hằng, với tổng số 20 cuộc họp.

Trong dịp này, Việt Nam đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU với tư cách nước điều phối quan hệ đối thoại.

Qua hơn ba ngày làm việc khẩn trương, các hội nghị đã tập trung kiểm điểm và đề ra phương hướng triển khai các ưu tiên hợp tác của ASEAN cả về nội khối cũng như về quan hệ đối ngoại của ASEAN, với trọng tâm là thực hiện đúng Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh liên kết, kết nối khu vực, đi đôi với tăng cường quan hệ với các đối tác của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm...

Văn kiện Thông cáo chung của Hội nghị AMM-46 được các nước ASEAN nhất trí thông qua không chỉ đề ra những định hướng ưu tiên đối với ASEAN từ nay đến 2015 mà còn xây dựng tầm nhìn và lộ trình phát triển của ASEAN trong những thập kỷ tiếp theo sau 2015.

Trên tinh thần đề cao đoàn kết và trách nhiệm về hợp tác chung của các nước thành viên, trong đó có vai trò đóng góp tích cực của nước Chủ tịch của Brunei, các hội nghị lần này đã thành công tốt đẹp và đạt được các kết quả mong đợi.

- Vậy những kết quả cụ thể chính của các hội nghị như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Các Hội nghị lần này diễn ra khi khu vực đang đứng trước những cơ hội lớn cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển, đồng thời vẫn còn tồn tại không ít khó khăn thách thức cả về an ninh lẫn kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các hội nghị đã tập trung thảo luận về các định hướng lớn của ASEAN và các diễn đàn liên quan, trong đó nổi lên là kết quả nổi bật nhất của Hội nghị lần này là ASEAN tiếp tục duy trì, củng cố đoàn kết và thống nhất lập trường về tất cả các vấn đề liên quan đến nội khối và quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực, thể hiện trên các mặt sau:

Trước hết, các Bộ trưởng đều nhất trí thời gian từ nay đến thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN (31/12/2015) không còn nhiều, do đó cần đặt ưu tiên cao nhất vào mục tiêu thực hiện tốt Lộ trình tiến tới Cộng đồng đã vạch ra. Theo đó, các nước thành viên cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực huy động nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình hợp tác quan trọng của ASEAN, như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Kế hoạch hành động giai đoạn II Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm phát triển bền vững và đồng đều đi đôi với giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN làm cơ sở cho ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần vào phát triển bền vững của khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.

Để làm được như vậy, trước hết phải tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của ASEAN, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN.

Cùng với việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, ASEAN cho rằng đây là thời điểm cần xây dựng tầm nhìn xa hơn 2015, tính đến chiến lược phát triển dài hạn của Cộng đồng ASEAN trong các giai đoạn sau năm 2015.

Thứ hai, ASEAN cần chủ động và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cũng như vai trò nòng cốt của Hiệp hội trong xử lý những vấn đề quan trọng ở khu vực; nhất là trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực; phát huy hơn nữa các công cụ chính trị, an ninh ở khu vực như ARF, EAS, ADMM +... cũng như nghiêm túc thực hiện các cam kết đã được quy định trong những văn kiện như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ); đồng thời ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Nhân dịp này, ASEAN đã cùng Na Uy ký các văn kiện để đối tác này chính thức tham gia Hiệp ước TAC.

Thứ ba, ASEAN tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, khuyến khích các đối tác gắn kết hơn với khu vực, tham gia hợp tác xây dựng và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, đồng thời hỗ trợ thiết thực ASEAN xây dựng Cộng đồng. Đến nay đã có 74 nước bên ngoài cử Đại sứ tại ASEAN, đồng thời ASEAN cũng thành lập 40 Ủy ban ASEAN tại các nước thứ ba.

Hiện ASEAN đang tích cực soạn thảo Hướng dẫn chung Thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, 40 năm quan hệ đối thoại với Australia và New Zealand, 25 năm đối thoại với Hàn Quốc; xem xét nâng cấp quan hệ đối tác với EU, chuẩn bị xây dựng Kế hoạch hành động Thực hiện Quan hệ Đối tác Toàn diện ASEAN-Australia... Điều quan trọng là các đối tác tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực, cũng như trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+...

Thứ tư, Biển Đông là vấn đề được tất cả các nước quan tâm và dành nhiều thời gian để trao đổi tại các Hội nghị lần này. Các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông; trước tình hình Biển Đông còn nhiều phức tạp, hầu hết các nước đều cho rằng các bên cần kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cùng thực hiện đầy đủ các cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC. Đặc biệt là các nước, cả trong và ngoài khu vực, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trên cơ sở đó, bên cạnh việc cho rằng cần thực hiện nghiêm chỉnh DOC, các nước cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiến hành trao đổi chính thức ở cấp SOM về Bộ luật ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nước đều trông đợi, bằng những bước đi này, ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm khởi động đàm phán chính thức để đạt được COC.

- Bộ trưởng có thể cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào thành công của các Hội nghị lần này?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị lần này đã có những đóng góp quan trọng vào các trọng tâm ưu tiên của ASEAN.

Thứ nhất: Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, chúng ta khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm của ASEAN hiện nay; để triển khai đúng tiến độ, các nước ASEAN cần nâng cao năng lực quốc gia, đầu tư nguồn lực thích đáng, xây dựng và điều chỉnh khung pháp lý phù hợp; tập trung thúc đẩy kết nối thể chế, kết nối người dân cùng với kết nối cơ sở hạ tầng. ASEAN cũng cần tăng cường hiệu quả hoạt động và nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan của ASEAN, cũng như tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN. Ta đã chia sẻ bước đầu những suy nghĩ của chúng ta về hướng tương lai của ASEAN, trong đó nhấn mạnh rằng ASEAN sau 2015 cần (i) kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua; (ii) những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN cần phải được phát huy và nhân lên thành giá trị và chuẩn mực chung của cả khu vực.

Thứ hai: Ta nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong viêc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Để làm được điều đó, ASEAN cần tiếp tục xây dựng và chia sẻ các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử; bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực; phát huy hiệu quả của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh ở khu vực như Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, ARF, ADMM+... Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống và các thách thức đang nổi lên, ta đề nghị ra “Tuyên bố ASEAN về Tăng cường Hợp tác Quản lý thiên tai” tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 tới (tháng 10/2013) nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong lĩnh vực này.

Thứ ba: Ta đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực. Với vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU, Việt Nam đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU, thảo luận các biện pháp nâng cao quan hệ ASEAN-EU, thúc đẩy EU tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động của khu vực thông qua triển khai Kế hoạch hành động Tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-EU và hướng tới một hiệp định tự do mậu dịch giữa hai khu vực. Tại Hội nghị, ta đề xuất một số sáng kiến như (i) Xây dựng chương trình công tác hàng năm, trong đó xác định rõ trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên cụ thể; (ii) Tổ chức Chương trình quảng bá tiềm năng, cơ hội của ASEAN tại EU để thu hút các nhà đầu tư, doanh nhân châu Âu và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân; (iii) Xác định lộ trình để hướng tới việc nâng cao quan hệ hai bên để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20. Các sáng kiến trên đều được các nước hoan nghênh.

Chúng ta cũng đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy hợp tác Mekong với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Theo đó, ta đề nghị đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mekong; sớm triển khai nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong; gắn kết với các kế hoạch và dự án về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN.

Thứ tư: Về Biển Đông, ta nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình trên biển vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, ASEAN và Trung Quốc hơn lúc nào hết, cần hợp tác để bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cũng như sớm xây dựng COC như đã khẳng định trong Tuyên bố chung được thông qua tại Cấp cao ASEAN-Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm DOC; thực hiện các nguyên tắc kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Ta đề xuất tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có việc thiết lập các kênh liên lạc hữu hiệu, hợp tác ngăn ngừa các sự cố, thiết lập một dàn xếp khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển, thiết lập “đường dây nóng” giữa ASEAN và Trung Quốc về các vấn đề trên biển... Bên cạnh đó, ta nhấn mạnh sự cần thiết của việc giúp đỡ và đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển. Ta hoan nghênh việc ASEAN-Trung Quốc lần này nhất trí tiến hành tham vấn chính thức ở cấp SOM về COC, cũng như việc tổ chức họp SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6 và Nhóm Công tác lần thứ 9 tại Trung Quốc, tháng 9/2013. Chúng ta cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tiến hành thảo luận chính thức, để sớm có được Bộ quy tắc COC, bảo đảm hiệu quả hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Những đóng góp tích cực và xây dựng của Đoàn ta được các nước đánh giá cao. Bên lề các Hội nghị, chúng ta cũng đã có nhiều tiếp xúc song phương để trao đổi về tăng cường hợp tác song phương, cũng như các vấn đề cùng quan tâm tại các Hội nghị.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục