ASEAN có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể gây tổn hại kinh tế cho một số nước, song không thể phủ nhận những tranh cãi này lại mang lại lợi ích cho một số nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể gây tổn hại kinh tế cho một số nước, song không thể phủ nhận những tranh cãi này lại mang lại lợi ích cho một số nền kinh tế.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực đang được hưởng lợi từ bất đồng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định một số nước ASEAN được mong đợi sẽ thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc, đồng thời các nước này sẽ chắc chắn tăng trưởng bền vững dựa trên nền tảng là nhu cầu nội địa mạnh mẽ.

Một số chuyên gia lại lạc quan về triển vọng của kinh tế ASEAN, cho rằng một số nền kinh tế lớn, đặc biệt là Nhật Bản, đã tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ-Trung leo thang tranh cãi thương mại.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vừa chuyển cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang khu vực ASEAN, bởi các sản phẩm họ sản xuất ở nước này phải chịu mức thuế cao của Mỹ và không đáp ứng nhiều nhu cầu của Mỹ.

[ASEAN gặt hái nhiều thành tựu lớn phát triển kinh tế và cộng đồng]

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa tiến hành cuộc khảo sát đối với hơn 5.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở 20 quốc gia châu Á và châu Đại Dương, đã công bố báo cáo cho thấy 57,4% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng kinh doanh ở khu vực ASEAN trong vòng 1 hoặc 2 năm tới, so với 48,7% trả lời rằng họ sẽ dự định đầu tư vào Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á của Đại học Temple, Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ kéo theo cả nền kinh tế các quốc gia ASEAN vốn cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc.

Ông cho rằng: "Trung Quốc đang là động lực của tăng trưởng, nếu bị trục trặc thì hậu quả với khu vực sẽ là rất nặng nề."

Năm 2018, ngân hàng trung ương của một số quốc gia ASEAN như Indonesia và Philippines đã phải thắt chặt tín dụng, khi mà một loạt quyết định nâng lãi suất đột ngột của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã đẩy nhanh các dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.

Ông Makoto Saito, chuyên gia về các thị trường châu Á mới nổi, nhận định trong năm 2019, tốc độ tăng lãi suất của Mỹ dự kiến chậm lại và sức ép thắt chặt tiền tệ ở các nước đang phát triển có thể được nới lỏng. Khi đó, các nước ASEAN sẽ hưởng lợi từ nhu cầu trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục