Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết một cuộc Đối thoại Công-Tư (PPD) về Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) giai đoạn 2016-2025 (Tầm nhìn SME ASEAN sau năm 2015) đã được tổ chức ngày 25/11 tại Siem Reap, Campuchia.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ Campuchia Heng Sokkung đã hoan nghênh việc tổ chức cuộc đối thoại nhằm mục đích thu thập thông tin phản hồi từ khu vực tư nhân về định hướng tương lai của Tầm nhìn SME ASEAN sau năm 2015.
Bộ trưởng Heng Sokkung nhấn mạnh việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 sẽ cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp trong khu vực, bao gồm cả các SME, đồng thời khẳng định rằng để tạo điều kiện cho các SME phát triển cần phải dành ưu tiên cho việc cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường xây dựng năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu cho khu vực tư nhân.
Đối thoại đã tập trung thảo luận và trao đổi quan điểm về các mục tiêu và các sáng kiến được đề xuất trong 5 mục tiêu quan trọng của Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN phát triển các SME giai đoạn 2016-2025, bao gồm nâng cao năng suất, công nghệ và đổi mới; mở rộng khả năng tiếp cận tài chính; gia tăng tiếp cận thị trường và quốc tế hóa; tăng cường chính sách và quy định môi trường; và Khuyến khích phát triển doanh nhân và nguồn nhân lực.
Cuộc đối thoại là một phần của loạt tham vấn về dự thảo chương trình công tác SME sau năm 2015 của ASEAN, được tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Công nghiệp AEM - METI, với sự tham gia của các quan chức phụ trách lĩnh vực SME, ngân hàng trung ương, các hiệp hội kinh doanh, khu vực tư nhân đến từ 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và đại diện một số tổ chức khu vực và quốc tế liên quan.
Nhân dịp này, ASEAN đã cho ra mắt ấn phẩm "Danh bạ các SME ASEAN xuất sắc năm 2015” giới thiệu trên 800 SME trong khu vực hoạt động trong 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập, bao gồm nông nghiệp-chế biến thực phẩm, ôtô, giao thông vận tải, dịch vụ hậu cần, thiết bị điện và điện tử, e-ASEAN/ICT (công nghệ thông tin), thủy sản, y tế, cao su, dệt may, du lịch và các sản phẩm từ gỗ./.