ASEAN-Canada có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thúc đẩy hợp tác

Tổng vụ trưởng Đông Nam Á của Bộ các vấn đề toàn cầu Canada cho biết ASEAN và Canada cần nhận diện những lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác cũng như biện pháp đảm bảo hợp tác thực sự hiệu quả.
ASEAN-Canada có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thúc đẩy hợp tác ảnh 1Toàn cảnh Đối thoại ASEAN-Canada lần thứ 14 diễn ra vào tháng 5/2017. (Ảnh: Hồng Hoàng/TTXVN)

Từ 26-28/10, hội thảo về ASEAN và quan hệ ASEAN-Canada đã diễn ra tại thành phố Toronto của Canada, thu hút sự tham gia của hàng chục học giả, chuyên gia, đại diện Bộ Các vấn đề Toàn cầu của Canada, Đại sứ quán các nước ASEAN, các nhà làm phim, nhà hoạt động và sinh viên nhiều trường đại học.

Hội thảo do Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học York tổ chức hai năm một lần nhằm tập hợp những tiếng nói và ý kiến của giới nghiên cứu học thuật và những người làm chính sách liên quan đến ASEAN và quan hệ ASEAN-Canada.

Trong ba ngày hội thảo, các đại biểu đã tham dự hàng chục diễn đàn thảo luận theo năm nhóm chuyên đề về những lĩnh vực chủ chốt của ASEAN, quan hệ ASEAN-Canada và cách thức hài hòa lợi ích của Canada với nghị trình phát triển của ASEAN ở tuổi 50 trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động do sự chuyển dịch chiến lược trong cạnh tranh quyền lực…

Trong cuộc thảo luận bàn tròn khai mạc hội thảo, Tổng vụ trưởng Đông Nam Á của Bộ các vấn đề toàn cầu Canada, ông Ian Burchett, cho rằng ASEAN và Canada cần nhận diện những lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác cũng như biện pháp đảm bảo hợp tác thực sự hiệu quả. Hai bên đã tiến hành nghiên cứu khả thi về thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp cùng thắng.

Đại sứ Indonesia tại Canada Teuku Faizasyah nhấn mạnh đến những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Canada và ASEAN như về giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế thương mại… Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Canada Joshua Brown cũng chia sẻ quan điểm này khi cho biết các doanh nghiệp Canada luôn hy vọng có thể mở rộng quy mô trao đổi thương mại với ASEAN một cách hiệu quả và bền vững.

Việc đẩy mạnh giao thương hai chiều, theo ông, sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực công và tư của hai bên. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy quan hệ với ASEAN, Canada phải chứng tỏ thế mạnh của mình và cho ASEAN thấy được những tiềm năng cũng như cơ hội trong thúc đẩy hợp tác song phương.

[ASEAN và Canada khởi động đối thoại chính sách thương mại]

Trong cuộc thảo luận về ASEAN và các vấn đề hàng hải trong khu vực, các diễn giả chia sẻ nhiều ý kiến về những diễn biến ở Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời thảo luận về những cách thức giúp mang lại an ninh và ổn định ở hai vùng biển này trước sự dịch chuyển cán cân quyền lực của các nước lớn. Phần lớn các ý kiến đều nhấn mạnh đến vai trò của ASEAN trong tư cách là một khối thống nhất và đoàn kết trong đảm bảo an ninh khu vực và cân bằng lợi ích giữa các bên.

Trong tham luận trình bày của mình, học giả David Welch thuộc Đại học Waterloo, nêu rõ hầu hết các nước đều phụ thuộc vào giao thương và tự do hàng hải ở Biển Đông nên cần thảo luận về việc thực thi các nguyên tắc, quy định của khu vực và quốc tế.

Học giả Sorpong Peou thuộc Đại học Ryerson nhấn mạnh đến yếu tố đoàn kết và đồng thuận trong ASEAN, cũng như những yếu tố đang tác động mạnh đến ASEAN từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Theo ông, ASEAN đã trở thành một “câu lạc bộ," một tập thể đoàn kết nên cần tiếp tục duy trì sức mạnh của mình.

Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang, thuộc Hiệp hội Canada Việt Nam (CVS), cho rằng ASEAN có kinh nghiệm và lịch sử giải quyết các tranh chấp trong khu vực, và rằng cần phải hiểu rõ lịch sử Biển Đông để có hướng giải quyết tốt nhất.

Ông Luis Silva thuộc Trường Cao đẳng Centennial, nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Canada với tình hình Biển Đông. Theo ông, sự thịnh vượng của Canada phụ thuộc vào hòa bình và an ninh ở vùng biển quan trọng này, nơi có tổng lượng hàng hóa giao thương hiện chiếm tới 30% toàn cầu.

Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Canada. Vì thế hội thảo là cơ hội để tìm hiểu môi trường tổng quan của thế giới và khu vực; nhận biết rõ những thách thức, cơ hội và tiềm năng của hai bên để qua đó tìm kiếm cách thức thúc đẩy quan hệ song phương một cách hiệu quả và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục