"ASEAN cần tăng cường hợp tác trong định hình sự phát triển của AI"

AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên cũng phát sinh các vấn đề lớn như quyền truy cập dữ liệu cá nhân, sai lệch về dữ liệu và thuật toán, tính minh bạch cũng như trách nhiệm pháp lý.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto. (Nguồn: ANTARA)

ASEAN cần tăng cường hợp tác trong việc định hình sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Điều này sẽ mang lại những lợi ích, không chỉ để phát huy các cơ hội và đối phó với những thách thức AI đặt ra mà còn tăng cường hơn nữa sự ổn định và thịnh vượng của khu vực với một lộ trình kỹ thuật số trong những năm tới.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, đưa ra ngày 25/11 tại Hội thảo trực tuyến ASEAN về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (4.0).

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Airlangga Hartarto nêu rõ trong những năm qua, một trong những công nghệ tiến bộ nhanh nhất phục vụ đời sống con người là AI.

Thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tiềm năng tăng mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.

[Chuyển đổi số: Khu vực ASEAN hướng đến sản xuất thông minh]

Đến nay, công nghệ đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới hiệu quả và mang lại sự tiện lợi. AI cho phép máy móc thực hiện các công việc đòi hỏi mức độ thông minh giống như con người, vì vậy chúng ngày càng được ứng dụng rộng rãi, từ thực hiện các nhiệm vụ đơn giản hằng ngày cho đến các lệnh, các hoạt động phức tạp liên quan tới an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh việc sử dụng AI được cho là có thể tăng hiệu quả kinh doanh, năng suất và khuyến khích đổi mới trong các lĩnh vực khác nhau; hỗ trợ định hướng giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia và khu vực như phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tạo việc làm mới ngoài lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng, logistics, trung tâm dịch vụ và hoạt động nghiên cứu.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do công ty tư vấn Kearney và Ban phát triển kinh tế EDBI thực hiện, AI có thể có tác động tổng thể mạnh mẽ, cụ thể là tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 10% đến 18% trên toàn Đông Nam Á vào năm 2030, tương đương gần 1.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, Báo cáo của Brookings dự báo AI cũng làm nảy sinh các vấn đề lớn như quyền truy cập dữ liệu cá nhân, sai lệch về dữ liệu và thuật toán, tính minh bạch cũng như trách nhiệm pháp lý.

Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị một số giải pháp cho các vấn đề này gồm cải thiện khả năng truy cập dữ liệu, tăng cường đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển AI, thúc đẩy phát triển lực lượng lao động AI, thành lập ủy ban cố vấn quốc gia với thành viên là các quan chức quốc gia và địa phương để đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả; duy trì cơ chế kiểm soát và giám sát của con người, tăng cường an ninh mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục