ASEAN cần khoảng 3.000 tỷ USD cho "đầu tư xanh" đến 2030

Ngân hàng DBS của Singapore và cơ quan về môi trường của Liên hợp quốc nhận định các nước ASEAN cần tăng gấp 4 lần mức "đầu tư xanh" mỗi năm để bảo vệ người dân và nền kinh tế.
ASEAN cần khoảng 3.000 tỷ USD cho "đầu tư xanh" đến 2030 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Inhabitat)

Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tăng gấp 4 lần mức "đầu tư xanh" mỗi năm để bảo vệ người dân và nền kinh tế trước tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như các cú sốc về môi trường khác. Đây là nhận định của Ngân hàng DBS của Singapore và cơ quan về môi trường của Liên hợp quốc, đưa ra trong báo cáo Nghiên cứu Nhu cầu Tài chính Xanh tại ASEAN công bố mới đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các chuyên gia cho rằng ASEAN cần khoảng 3.000 tỷ USD cho "đầu tư xanh" trong giai đoạn từ năm 2016-2030, gấp 37 lần so với quy mô thị trường trái phiếu xanh toàn cầu năm ngoái. Trong số đó, 1.800 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và 400 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và lương thực, nông nghiệp và sử dụng đất. Indonesia dự kiến sẽ là quốc gia cần số vốn đầu tư lớn nhất trong khu vực.


[Lãnh đạo thế giới nhấn mạnh hiểm họa biến đổi khí hậu tại COP23]

Theo báo cáo trên, các dòng "tài chính xanh" hiện nay ở ASEAN ước tính ở mức 40 tỷ USD/ năm, so với khoảng 200 tỷ USD nhu cầu cần cho mỗi năm từ nay cho đến năm 2030. Khoảng 75% dòng tài chính hiện tại đến từ khu vực công, phần còn lại đến từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với sự đóng góp của khu vực công vào khoảng 40% trong tương lai, tài chính xanh từ khu vực tư nhân sẽ cần phải tăng lên đáng kể, có thể phải gấp hơn 10 lần mới đáp ứng được nhu cầu.

Giám đốc điều hành của DBS, ông Piyush Gupta, nhấn mạnh ASEAN đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững hơn, trong đó tài chính xanh là một nhu cầu cấp thiết.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy các quốc gia ASEAN có nhiều rủi ro hơn so với các nước khác trên thế giới. Tăng trưởng carbon cao, khai thác cạn kiệt tài nguyên đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm, phá hủy môi trường thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Theo tiến sỹ Ma Jun, cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về tài chính bền vững và đồng chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Tài chính Xanh thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), báo cáo đã chỉ ra cách thức mà ASEAN có thể mở rộng "đầu tư xanh" cũng như bảo vệ con người, môi trường và nền kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo cũng xác định một số rào cản, bao gồm việc hạn chế tiếp cận các quỹ xanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ASEAN thường không đủ thông tin cho người ra quyết định tài chính để nhận diện, xác định giá cả cũng như quản lý rủi ro môi trường, cũng như sự biến động tỷ giá hối đoái của 10 nước trong khu vực.

Mặc dù báo cáo thừa nhận không có giải pháp duy nhất nào cung cấp tài chính xanh cho ASEAN, nhưng cũng ghi nhận một số khu vực sẽ có lợi từ việc có thêm các hình thức đầu tư mới. Ví dụ, các công ty bảo hiểm hoặc quỹ lương hưu có thể giúp mở rộng "đầu tư xanh" bằng cách cho vay trực tiếp các dự án xanh với nhu cầu đầu tư dài hạn và mua tài sản xanh do các ngân hàng chuyển vào thị trường vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục