ASEAN cam kết hợp tác để phòng chống HIV/AIDS

Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện cam kết về HIV/AIDS thông qua hợp tác khu vực.
Nêu rõ HIV/AIDS tiếp tục đe dọa cuộc sống và tương lai của người dân, là thách thức lớn trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan HIV/AIDS thông qua hợp tác khu vực.

Đại sứ Lê Lương Minh - Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu như vậy ngày 9/6 tại phiên họp toàn thể đánh giá việc thực hiện Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS năm 2001 và Tuyên bố chính trị ngăn chặn HIV/AIDS năm 2006.

Đại sứ cho rằng nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế liên quan HIV/AIDS của ASEAN thể hiện tại Phiên họp đặc biệt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 7 tại Brunei năm 2001, Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tại Indonesia năm 2003, Hội nghị cấp cao ASEAN 10 tại Lào năm 2004, Hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc năm 2005, Phiên họp đặc biệt tại Hội nghị cấp cao lần thứ 12 tại Philippines năm 2007 và gần đây nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Việt Nam tháng Tư vừa qua.

Ngăn chặn HIV/AIDS cũng được nhấn mạnh trong Kế hoạch về cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 tại Thái Lan năm 2009.

Đại sứ cũng cho biết cùng với các biện pháp chữa trị, chăm sóc giúp đỡ bệnh nhân, ASEAN luôn coi trọng việc giải quyết vấn đề giảm nghèo, bình đẳng và y tế, cũng như tạo môi trường thuận lợi để ngăn chặn sự lây lan của HIV, giảm các trường hợp lây nhiễm mới, thông qua các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong công chúng, xây dựng luật và quy định cần thiết để đảm bảo những người bị nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử và hưởng quyền tiếp cận công bằng đối với y tế, phúc lợi xã hội và các dịch vụ giáo dục.

Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh ASEAN cam kết tiếp tục hợp tác với các đối tác, UNAIDS và các cơ quan Liên hợp quốc khác, các tổ chức đoàn thể và khu vực tư nhân trong các nỗ lực phòng chống HIV/AIDS.

Cũng tại phiên họp, Đại sứ bày tỏ lo ngại về việc HIV/AIDS tiếp tục là căn bệnh truyền nhiễm gây chết người nhiều nhất trên thế giới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong phụ nữ ở tuổi sinh nở, trong khi nhu cầu điều trị vượt quá khả năng cung cấp thuốc điều trị và hiểu biết về HIV/AIDS còn hạn chế.

Thực trạng này dẫn tới việc nhiều nước khó có thể thực hiện được các cam kết của Tuyên bố 2001 và Tuyên bố Chính trị 2006, cũng như mục tiêu 6 trong các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Asha-Rose Migiro cho biết cộng đồng quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nỗ lực phòng chống căn bệnh thế kỷ này.

Kể từ năm 2001 đến nay, số ca mới lây nhiễm HIV đã giảm 17%. Hơn 4 triệu người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đã được điều trị thuốc chống AIDS (ATR), tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 5 năm qua.

Chỉ vài năm trước đây, các biện pháp chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con còn là ý tưởng, nhưng nay đã trở thành công cụ phòng chống HIV/AIDS khá phổ biến trên toàn cầu. Hiện tượng kỳ thị và phân biệt đối xử với các bệnh nhân HIV/AIDS nay đã giảm bớt.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS.

Bà Migiro cho rằng việc một số chính phủ cắt giảm chi tiêu dành cho chương trình phòng chống HIV/AIDS và chuyển nguồn ngân sách này sang cho các chương trình phát triển khác sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới các bệnh nhân HIV/AIDS và nỗ lực ngăn ngừa lây lan HIV/AIDS ra cộng đồng.

Bà nêu rõ chi phí cho phòng chống HIV/AIDS là tốn kém, nhưng nếu không hành động, cái giá phải trả sau đó sẽ lớn hơn nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục