ASEAN bàn biện pháp đẩy mạnh kế hoạch tổng thể về kết nối

Tại Cuộc họp lần thứ 2 về ACCC, ở Indonesia, các đại biểu kiểm điểm, bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN.
ASEAN bàn biện pháp đẩy mạnh kế hoạch tổng thể về kết nối ảnh 1Một phiên họp của ASEAN. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/TTXVN)

Trong hai ngày 7-8/6, tại thành phố Parapat của Indonesia đã diễn ra Cuộc họp lần thứ hai về Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC).

Cuộc họp tập trung kiểm điểm và bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), chuẩn bị xây dựng Chương trình nghị sự Kết nối ASEAN sau 2015 và thúc đẩy hợp tác kết nối với các đối tác.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.

Được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17, tại Hà Nội vào năm 2010, MPAC là văn kiện có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu của ASEAN với mục tiêu tăng cường kết nối khu vực ASEAN dựa trên 3 trụ cột: kết nối hạ tầng, kết nối thể chế và kết nối con người thông qua 125 chương trình và biện pháp cụ thể (55 biện pháp về kết nối hạ tầng, 50 về kết nối thể chế và 20 về kết nối con người).

Trong đó, trụ cột kết nối hạ tầng nhằm xây dựng những mạng lưới giao thông vận tải đa phương thức vận hành thông suốt cũng như mạng lưới viễn thông và năng lượng chung cho toàn khu vực; trụ cột kết nối thể chế hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý, quy định hài hòa và thống nhất nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mọi hoạt động Kết nối ASEAN, trong đó có việc tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ, thu hút và bảo hộ đầu tư; trụ cột kết nối con người sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy giao lưu văn hoá và du lịch…

Kiểm điểm tiến độ thực hiện MPAC, cuộc họp ghi nhận trong số 125 biện pháp MPAC đã có 24 biện pháp hoàn tất, 50 biện pháp có khả năng hoàn thành trong năm 2015 và 20 biện pháp dự kiến hoàn thành sau 2015.

Mặt khác, còn tới 25 biện pháp khó có khả năng hoàn thành vào năm nay vì chưa có kế hoạch triển khai hoặc thiếu vốn, 3 biện pháp chưa khởi động vì không xác định được cơ quan chủ trì, ngoài ra các cơ quan chuyên ngành cũng nhất trí bỏ thực hiện 3 biện pháp vì không còn phù hợp.

Trước tình hình trên, các nước tái khẳng định quyết tâm hoàn thành đến mức cao nhất các biện pháp nêu trong MPAC, nhất là cần sớm có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ những khó khăn về vốn, quy trình phối hợp và phân công trách nhiệm thực thi cho các cơ quan như nghiên cứu áp dụng mô hình Đối tác công-tư (PPP), tích cực lồng ghép các biện pháp MPAC vào chương trình phát triển quốc gia hay xác định cơ quan chủ trì thực hiện cho các biện pháp mang tính đa ngành…

Đồng thời, ACCC cần nâng cao hơn nữa vai trò điều phối, phối hợp chặt chẽ với Điều phối Quốc gia (NC) theo dõi và đôn đốc các cơ quan chuyên ngành triển khai đúng tiến độ các biện pháp liên quan; tăng cường giới thiệu, quảng bá nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của các nước đối tác, tổ chức tài chính quốc tế và khu vực cũng như giới doanh nghiệp trong thực hiện các dự án kết nối.

Trước mắt, ACCC sẽ phối hợp cùng các đơn vị tư vấn xây dựng những sản phẩm video để quảng bá về Kết nối ASEAN, tiếp tục cùng Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai các dự án về Đánh giá hiệu quả và tác động của Kết nối ASEAN và Chương trình PPP trong ASEAN.

Về Chương trình nghị sự Kết nối ASEAN sau 2015, cuộc họp nhất trí xây dựng Văn kiện Kết nối ASEAN tới 2025 như một trong những văn kiện hợp thành Tầm nhìn ASEAN 2025, dự kiến được hoàn tất và trình thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2016.

Với các đối tác, cuộc họp nhất trí xúc tiến kế hoạch tổ chức họp định kỳ giữa ACCC với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và EU vào cuối năm 2015 nhằm tranh thủ các đối tác tiếp tục cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai MPAC và các dự án liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm khẳng định Việt Nam cam kết tích cực cùng các nước ASEAN đẩy mạnh triển khai MPAC trên cả 3 trụ cột hạ tầng, thể chế và con người; đồng thời cần tiếp tục ưu tiên cho các dự án kết nối hạ tầng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giúp phát triển kinh tế-xã hội ở Tiểu vùng sông Mekong.

Về xây dựng Chương trình nghị sự Kết nối ASEAN sau 2015, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm nhấn mạnh chương trình cần tiếp nối và phát huy những kết quả đã đạt cũng như bài học, kinh nghiệm thu được trong thực hiện MPAC giai đoạn 2012-2015, trên cơ sở đó xây dựng những biện pháp cụ thể, khả thi, có tác động sâu rộng cũng như có khả năng thu hút vốn đầu tư cao.

Theo kế hoạch, Cuộc họp Ủy ban điều phối Kết nối ASEAN lần thứ ba năm 2015 dự kiến được tổ chức vào tháng Chín năm nay tại Malaysia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục