ASEAN 2020: Ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ

Các Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của các công nghệ số và sự hợp tác xuyên quốc gia giữa các nước AES, do vậy, các ưu tiên trong thời gian tới cần dành cho các doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ.
Đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52), tối 28/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có cuộc họp lần thứ 8 với các đối tác ngoại khối trong khu vực Đông Á, bao gồm các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Hoa Kỳ (gọi tắt là EAS-EMM) do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì.

Tại cuộc họp lần này, các Bộ trưởng hoan nghênh sự tăng trưởng của luồng thương mại và đầu tư giữa các nước Đông Á (EAS) với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 51,6 nghìn tỷ USD trong năm 2019, tăng khoảng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê từ phía ASEAN, giá trị giao dịch thương mại giữa ASEAN và các nước EAS đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ USD trong năm 2019; chiếm 48,1% so với tổng giá trị giao dịch thương mại của ASEAN với các đối tác; trong khi tổng giá trị thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 61,2 nghìn tỷ USD, chiếm 38,1% luồng đầu tư nước ngoài vào ASEAN.

Đặc biệt, các Bộ trưởng ghi nhận đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức bất ngờ tới cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội cho hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

[Quan hệ ASEAN và các đối tác ngày càng phát triển sâu rộng]

Theo đó, các Bộ trưởng hối thúc việc tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế khu vực và chung tay đẩy lùi đại dịch; đảm bảo sự phát triển kinh tế chung trong toàn khu vực, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì chuỗi cung ứng trong khu vực và khẳng định quyết tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, đặc biệt là đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như y tế, vắcxin, thực phẩm cho nhân dân trong toàn khu vực.

Ngoài ra, các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến về giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 bao gồm việc thiết lập Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như việc thiết lập Quỹ Cung cấp y tế trong khu vực ASEAN nhằm chống lại đại dịch này.

Mặt khác, Bộ trưởng trao đổi quan điểm về việc làm thế nào để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, duy trì chuỗi cung ứng và bình ổn thị trường trong khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các công nghệ số và sự hợp tác xuyên quốc gia giữa các nước thành viên của AES. Do vậy, các ưu tiên trong thời gian tới cần dành cho các doanh nghiệp nhỏ và kinh tế hộ trong quá trình chung tay chống lại đại dịch.

Đáng lưu ý, các Bộ trưởng đánh giá cao sự ủng hộ của khu vực đối với việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết sẽ phối hợp nhằm cải cách WTO theo phương châm minh bạch, toàn diện; dễ tiên đoán và tất cả sẽ nỗ lực vì một hệ thống thương mại đa phương bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục