Đại sứ Myanmar tại ASEAN Aung Myo Myint nhấn mạnh rằng bất chấp các thách thức, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Việt Nam trong năm nay, ASEAN đã đạt được những tầm cao mới, cho thế giới thấy rõ hơn về sự đoàn kết và khả năng phục hồi của mình với tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng.”
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Aung Myo Myint đã chúc mừng Việt Nam lãnh đạo và điều hành thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 cũng như các hội nghị cấp cao liên quan.
Đại sứ nhấn mạnh mặc dù ASEAN đã phải đối mặt với những thách thức từ sự thay đổi động lực địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực cũng như các vấn đề y tế và kinh tế-xã hội quan trọng, nhưng dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Cộng đồng ASEAN vẫn đi đúng hướng và tiến triển.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy các mục tiêu ưu tiên của mình.
Cụ thể, với những nỗ lực cao độ, trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy và triển khai chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) không chỉ trong khu vực mà còn ở trên toàn thế giới.
Lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ của ASEAN đã được tổ chức. Điểm đặc biệt là hội nghị này được tổ chức trùng với năm đánh dấu kỷ niệm 20 năm Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một hành động mang tính bước ngoặt đưa vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh vào chương trình nghị sự thường trực của cơ quan này.
[Malaysia đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam]
Việt Nam đã đi đầu trong việc điều phối các nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 của ASEAN với việc thúc đẩy thông qua các sáng kiến chính như Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) và kế hoạch triển khai, lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, thành lập Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN (RRMS).
Tuy nhiên, theo Đại sứ Aung Myo Myint, điểm nhấn lớn nhất trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, cũng là thành tựu quan trọng nhất mà ASEAN đạt được trong năm nay, đó là các nước kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động lớn tới nền kinh tế các nước, việc ký kết RCEP sẽ giúp nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp, củng cố cấu trúc kinh tế khu vực, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp khu vực và toàn cầu, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với một hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Việc hoàn tất RCEP sẽ là một động thái mới tiến tới hội nhập khu vực và mở ra các mối liên kết kinh tế, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên tham gia cũng như tăng hiệu quả của nhiều thỏa thuận thương mại châu Á hiện hành.
Ngoài ra, bất chấp đại dịch, 8 kế hoạch hành động (POA) mới lần lượt với Canada, Hàn Quốc, News Zealand, Mỹ, Ấn Độ, Liên hợp quốc, Trung Quốc và Nga đã được gia hạn và hoàn tất. Việc thực hiện các POA mới này sẽ giúp ASEAN theo đuổi hợp tác lớn hơn trong các lĩnh vực quan trọng và thúc đẩy mối quan hệ lâu đời vốn có giữa ASEAN và các đối tác đối thoại.
Cũng theo Đại sứ Aung Myo Myint, một kết quả nổi bật quan trọng khác mà ASEAN đã đạt được trong năm nay là thực hiện đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch Tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng; đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Đánh giá nỗ lực của Việt Nam tập hợp ASEAN trong bối cảnh khó khăn là “vô cùng to lớn,” Đại sứ Aung Myo Myint cho rằng cạnh tranh địa chính trị, khả năng phục hồi kinh tế và các bệnh truyền nhiễm xuyên quốc gia vẫn sẽ là những thách thức đối với ASEAN trong thời gian tới. Do vậy, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của nhiệm kỳ Chủ tịch Việt Nam vẫn “rất phù hợp với nhu cầu hiện nay.”
Theo nhà ngoại giao này, các điểm nóng trong khu vực chưa được giải quyết, những căng thẳng đang nổi lên và sự cạnh tranh giữa các nước lớn đang vẫn đang gây mất ổn định trong khu vực. Điều này càng khiến ASEAN phải thúc đẩy hơn nữa sự thống nhất và vai trò trung tâm của mình, cũng như vai trò của ASEAN với tư cách là động lực chính trong cấu trúc khu vực đang phát triển.
Vị trí trung tâm của ASEAN sẽ có ý nghĩa hơn đối với khu vực nếu ASEAN có thể đóng một vai trò lớn hơn như một lực lượng ổn định, thông qua việc vận dụng các cơ chế EAS, ARF và ADMM+, thúc đẩy sự tin cậy và lòng tin giữa các bên tham gia.
Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác đối thoại nhằm tăng cường gắn kết với bên ngoài và tiếp cận với các đối tác tiềm năng mới có thể đóng góp tích cực cho sự thống nhất, đoàn kết của ASEAN, cũng như các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN để hỗ trợ người dân và hợp tác nhằm vượt qua những thách thức dai dẳng và mới nổi.
Nhân dịp này, Đại sứ Aung Myo Myint cũng nhấn mạnh cam kết của Myanmar trong chương trình nghị sự khu vực và quốc gia, theo đó Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 cần được dẫn dắt bởi Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác và các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN được các nhà sáng lập đề ra cách đây 53 năm.
Theo ông, Cộng đồng ASEAN cần tiếp tục là một thực thể dựa trên luật lệ, ủng hộ chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương hướng tới tương lai. Việc tăng cường hội nhập nội khối và với các đối tác không được làm suy yếu các nguyên tắc và chuẩn mực cốt lõi được nêu trong các văn kiện chính của ASEAN.
Những quy tắc và chuẩn mực này sẽ là cơ sở để ASEAN đảm trách vai trò trung tâm của mình trong việc phát triển cấu trúc khu vực, tăng cường tiếng nói trong các vấn đề quốc tế và nâng cao vai trò tại các diễn đàn đa phương./.