ASEAN 2020: Chung tay hành động nâng cao vị thế của phụ nữ

Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữl à sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới.
ASEAN 2020: Chung tay hành động nâng cao vị thế của phụ nữ ảnh 1Cuộc họp trực tuyến Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/6/2020, lần đầu tiên sẽ tổ chức Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số.

Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội trong ASEAN.

Hoạt động này cũng nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.

Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ,là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới vì các Nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên thảo luận chính thức về việc trao quyền cho phụ nữ.

Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN

Tại Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) với chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025” được tổ chức tại Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta không thể trở thành Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái. Để làm được điều này, mỗi người phụ nữ, mỗi trẻ em gái đều phải có quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, được học hành, được phát triển, được bảo vệ và được thực hiện những quyền năng chính đáng của mình.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh ba nội dung hợp tác: Một là, đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm

Ba là, tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

[ASEAN trao đổi thông tin các sáng kiến liên quan đến phụ nữ, hòa bình]

Kể từ khi ASEAN thành lập vào ngày 8/8/1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên.

Tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ nữ trong độ tuổi từ 60-64 đến năm 2015 đã tăng 3,7%, tỷ lệ sinh sớm của phụ nữ trong độ tuổi 15-19 ở khu vực đã giảm từ 77% xuống 37%. Các cơ hội giáo dục được mở rộng.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh những thành tựu nên trên, có một thực tế rất rõ là dù phụ nữ chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Á (với dân số gần 650 triệu người và quy mô GDP hàng năm tăng khá đồng đều), nhưng mức thu nhập của phụ nữ trong khu vực nói chung vẫn thấp hơn nam giới làm cùng một công việc, chênh lệch trung bình lên tới 25% ở một số quốc gia.

Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỷ vừa qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong giai đoạn 2013-2025 nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN. 

Do đó, các nước ASEAN cần chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Phụ nữ các nước ASEAN đã có nhiều hợp tác và hoạt động tích cực nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mình. Cụ thể: năm 2015 Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội đã thành lập với thành phần là các phu nhân và cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao Việt Nam và của các Cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Hà Nội.

Nhóm là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ các nước ASEAN và giữa ASEAN với bạn bè quốc tế, tạo cơ hội để phụ nữ trong khu vực được chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ ngoại giao.

Trong 5 năm hoạt động Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân có ý nghĩa như: tổ chức gặp mặt Ngày Gia đình ASEAN, Ngày Quốc tế phụ nữ, tham gia Liên hoan ẩm thực quốc tế, mở rộng mạng lưới của Nhóm sang các đối tác của ASEAN, góp phần tăng cường gắn kết ASEAN trong lòng bạn bè quốc tế, đóng góp cho các chương trình xã hội, từ thiện thiết thực hỗ trợ người dân Việt Nam trên khắp các vùng miền.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào các tiến trình xây dựng hòa bình, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên ở khu vực và nhằm triển khai Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh năm 2017, Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa bình (AWPR) được thành lập ngày 13/12/2018 tại Phillippines.

Thành viên của Nhóm gồm đại diện nữ của các nước ASEAN, là các nhà ngoại giao, quan chức, cựu quan chức chính phủ, nhà đàm phán, chuyên gia nghiên cứu về hòa bình và hòa giải.

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, các đại diện Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa bình của Việt Nam đã chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 trong việc thúc đẩy hợp tác về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở bình diện khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc triển khai chương trình nghị sự ASEAN về phụ nữ-hòa bình-an ninh cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch bệnh, đồng thời góp phần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và giải quyết các nguồn gốc của xung đột như đói nghèo, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, dịch bệnh, các nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố…

Chủ trì điều hành phiên trao đổi về xây dựng các biện pháp triển khai Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn Cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), đã phát biểu định hướng trọng tâm thảo luận cuộc họp tập trung vào các lĩnh vực hoạt động ưu tiên mà Nhóm có thể triển khai thời gian tới trên cơ sở tận dụng nền tảng công nghệ số, phát huy vai trò phụ nữ trong giáo dục và định hướng giới trẻ về các giá trị hòa bình...; phương hướng mở rộng hợp tác giữa Nhóm với các đối tác và các bên liên quan trong khu vực, trên tầm toàn cầu, củng cố hiệu quả hoạt động của Nhóm thông qua việc họp định kỳ, các khóa đào tạo nâng cao năng lực về kỹ năng kiến tạo hòa bình, hòa giải, xây dựng lòng tin...

Nhiều thành tựu về bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ

Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực liên quan đến phụ nữ vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia.

ASEAN 2020: Chung tay hành động nâng cao vị thế của phụ nữ ảnh 2Ban điều hành Hội Phụ nữ ASEAN tại Washington DC (AWC-DC) chụp ảnh chung cùng các thành viên của hội và khách mời. (Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN)

Hàng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Điểm nổi bật là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được Việt Nam triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007-2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tỷ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia.

Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ đều tăng. Đặc biệt, trong quân đội gần đây có các nữ sỹ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó tỷ lệ nữ là khoảng 48%. Các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016...

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục