Ngày 17/10, Ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan thông báo họ sẽ tuyên bố "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo" từ nửa đêm, tức 20 giờ giờ GMT, sau gần 3 tuần giao tranh liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Đây sẽ được xem là nỗ lực thứ hai của các bên liên quan nhằm chấm dứt các hoạt động giao tranh ở khu vực này, vốn đã làm hàng trăm người thiệt mạng trong thời gian qua.
Bộ Ngoại giao Armenia thông báo: "Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaijan đã nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo kể từ 0 giờ 0 phút ngày 18/10." Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng đưa ra xác nhận về động thái mới nhất.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan, trong đó ông nhấn mạnh "việc cần thiết duy trì chặt chẽ" thỏa thuận ngừng bắn được nhất trí ở thủ đô Moskva trước đó.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết các ngoại trưởng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bắt đầu thảo luận "thực chất" để giải quyết cuộc xung đột.
[Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Giao tranh tiếp tục bùng phát]
Ngày 17/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh thỏa thuận mới của Armenia và Azerbaijan cho lệnh ngừng bắn nhân đạo mới ở khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời nhấn mạnh các bên liên quan cần tôn trọng nghiêm túc thỏa thuận mới này.
Trong thông báo, Tổng thống Macron cho biết: "Thỏa thuận ngừng bắn cần được thực hiện vô điều kiện và giám sát chặt chẽ bởi các bên liên quan. Pháp hoan nghênh động thái này và sẽ tiếp tục duy trì cam kết giảm các hoạt động thù địch, cũng như thúc đẩy sớm nối lại thảo luận đáng tin cậy."
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Với vai trò trung gian của Nga, ngày 10/10, các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã nhất trí một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận./.