Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, vào khoảng 18h00 giờ địa phương, các đơn vị của Armenia bắt đầu nổ súng vào những vị trí của Azerbaijan tại khu vực Kalbajar, làm một binh sỹ bị thương.
Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn ảnh 1Binh sỹ Armenia tuần tra trên tuyến đường gần làng Berdashen thuộc tỉnh Shirak, khu vực ranh giới ngừng bắn với Azerbaijan, ngày 27/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/9, Armenia và Azerbaijan đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn từng giúp chấm dứt đợt giao tranh đẫm máu kéo dài 2 ngày hồi giữa tháng 9-đợt vi phạm thứ 2 chỉ trong vòng 5 ngày qua.

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, vào khoảng 18h00 giờ địa phương, các đơn vị của Armenia bắt đầu nổ súng vào những vị trí của Azerbaijan tại khu vực Kalbajar, làm một binh sỹ bị thương. Phía Azerbaijan thông báo đã đáp trả.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia đưa ra một thông báo trái ngược, cáo buộc các lực lượng Azerbaijan đã bắn súng cối và sử dụng vũ khí cỡ lớn về phía những vị trí của Armenia gần biên giới chung, buộc Armenia phải bắn trả.

Sau đợt giao tranh ác liệt cách đây 2 tuần khiến gần 200 binh sỹ của cả hai bên thiệt mạng trong đợt bùng phát bạo lực dữ dội nhất kể từ sau cuộc chiến 6 tuần cuối 2020, Armenia và Azerbaijan đã chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian. Sau đó Armenia cáo buộc bị Azerbaijan tấn công và chiếm giữ lãnh thổ, trong khi Azerbaijan tuyên bố chỉ hành động đáp trả “sự khiêu khích” từ phía Armenia.

[Armenia cáo buộc Azerbaijan có hành động tàn bạo trong xung đột]

Hôm 24/9, cả hai nước cùng cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn khi nổ súng qua biên giới. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/9 bày tỏ quan ngại sâu sắc về xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đồng thời kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Căng thẳng giữa hai bên liên quan tranh chấp nhiều thập kỷ qua về quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh. Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Vấn đề này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục