Armenia-Nga thảo luận tình hình nhân đạo tại khu vực Nagorny-Karabakh

Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan đã nhấn mạnh "sự cần thiết ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nhân đạo" tại khu vực Nagorny-Karabakh, do ảnh hưởng của việc đóng cửa hành lang Lachin trong hơn 8 tháng qua.
Ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, tại Sotk, Armenia, ngày 14/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin TASS, ngày 16/8, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov thảo luận về tình hình nhân đạo ở vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Armenia cho biết tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan đã nhấn mạnh "sự cần thiết ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nhân đạo" tại khu vực Nagorny-Karabakh, do ảnh hưởng của việc đóng cửa hành lang Lachin trong hơn 8 tháng qua.

Ông Mirzoyan cho rằng cần tận dụng hiệu quả các cơ chế hiện hành để đảm bảo hoạt động đi lại và vận chuyển hàng hóa qua hành lang Lachin.

[Armenia đề nghị Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình Nagorny-Karabakh]

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh cần ưu tiên giải quyết nhanh tình hình nhân đạo tại Nagorny-Karabakh thông qua việc thực hiện các tuyên bố ba bên được Nga, Armenia và Azerbaijan đưa ra năm 2020-2022, cũng như các thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình tại Nagorny-Karabakh.

Phát biểu tại cuộc họp, quan chức cấp cao về hoạt động viện trợ của Liên hợp quốc Edem Wosornu khẳng định phải nối lại công tác cứu trợ nhân đạo của Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) thông qua bất kỳ tuyến đường nào có thể.

Dù ICRC nỗ lực hết sức, song với quy mô tổ chức chỉ có thể cung cấp những viện trợ thiết yếu nhất.

Trong khi đó, phó đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky khẳng định Azerbaijan và Armenia không thể giải quyết các vấn đề song phương nếu không đàm phán trực tiếp.

Ông nhấn mạnh Nga "kêu gọi một cách tiếp cận có trách nhiệm đối với việc sử dụng diễn đàn Liên hợp quốc trong bối cảnh hiện nay," theo đó, các vấn đề phải được giải quyết giữa Baku và Yerevan và không có bất cứ giải pháp bên ngoài nào thay thế đối thoại song phương này.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước láng giềng mà đỉnh điểm là xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp.

Kể từ tháng 12/2022, Armenia đã cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Nagorny-Karabakh do lương thực và thuốc men dần cạn kiệt sau các biện pháp hạn chế sử dụng tuyến đường Lachin.

Ngày 11/7, Azerbaijan đã tạm đóng tuyến đường duy nhất nối khu vực Nagorny-Karabakh và Armenia, với cáo buộc chi nhánh của Tổ chức Chữ thập Đỏ tại Armenia có hoạt động “buôn lậu” qua tuyến đường này.

Trong thông báo, Cơ quan Biên giới quốc gia Azerbaijan cho biết việc đi lại qua trạm kiểm soát Lachin của biên giới quốc gia tạm thời bị đình chỉ trong khi chờ kết quả điều tra liên quan việc chi nhánh của Tổ chức Chữ thập Đỏ tại Armenia sử dụng các phương tiện y tế để buôn lậu.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.

Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi ngày 23/4 vừa qua, Azerbaijan thiết lập trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ nước này và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục