Cơ quan báo chí của Chính phủ Armenia cho biết Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 23/2 đã tiến hành điện đàm và thảo luận khả năng cử một phái đoàn tìm hiểu thực tế của Liên hợp quốc đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh và Hành lang Lachin.
Theo nguồn tin trên, hai bên đã thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Nagorny-Karabakh sau khi Azerbaijan phong tỏa Hành lang Lachin và các biện pháp giải quyết, trong đó có việc cử một phái đoàn của Liên hợp quốc đến hai khu vực này. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết ông sẽ tập trung vào vấn đề này.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Armenia cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó thảo luận về tình hình ở khu vực Nagorny-Karabakh và Hành lang Lachin. Hai bên đã trao đổi ý kiến về cuộc khủng hoảng nhân đạo, môi trường và năng lượng ở khu vực Nagorny-Karabakh.
Thủ tướng Pashinyan cũng nhắc lại tuyên bố của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) thuộc Liên hợp quốc đưa ra ngày 22/2 yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa tuyến đường nối giữa Armenia và khu vực Nagorny-Karabakh khi cho rằng người dân ở khu vực này sẽ có nguy cơ phải gánh chịu “tổn thất không thể bù đắp được.”
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến việc thực thi các thỏa thuận ba bên được các nhà lãnh đạo Armenia, Nga và Azerbaijan ký vào các ngày 9/11/2020, 11/1/2021, 31/10/2022 và 26/11/2022.
[EU triển khai phái bộ giám sát đến biên giới Armenia-Azerbaijan]
Hành lang Lachin là tuyến đường duy nhất nối Armenia với Nagorny-Karabakh. Vào ngày 12/12/2022, một số người Azerbaijan tự nhận là các nhà hoạt động môi trường đã chặn Hành lang Lachin, nơi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.
Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.
Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh./.