Armenia lạc quan về triển vọng thỏa thuận hòa bình Nagorny-Karabakh

Thủ tướng Armenia cho rằng nếu cuộc đối thoại giữa chính quyền Baku và đại diện của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh được tiến hành, việc đạt được Hiệp ước Hòa bình là khả thi.
Armenia lạc quan về triển vọng thỏa thuận hòa bình Nagorny-Karabakh ảnh 1Binh sỹ giữ gìn hòa bình Nga gác tại một trạm kiểm soát ở thị trấn Stepanakert, sau khi giao tranh bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 26/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/7, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho rằng việc ký kết Hiệp ước Hòa bình với Azerbaijan trước cuối năm nay là khả thi nếu cuộc đối thoại được thiết lập giữa đại diện chính quyền ở Baku và đại diện thủ phủ Stepanakert của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Yerevan, Thủ tướng Pashinyan nói: “Nếu cuộc đối thoại Baku và Stepanakert được tiến hành… Có thể đây là cơ hội để ký kết Hiệp ước Hòa bình trước cuối năm? Tôi nghĩ là có.”

Cùng ngày, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để thảo luận về các vấn đề an ninh và ổn định khu vực. cũng như tình hình ở khu vực Nagorny-Karabakh.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Armenia, Ngoại trưởng Mirzoyan nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nagorny-Karabakh, đang ngày càng trầm trọng hơn do Azerbaija phong tỏa hành lang Lachin - tuyến đường duy nhất nối Armenia với Nagorny-Karabakh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Armenia nhấn mạnh sự cần thiết phải dỡ bỏ phong tỏa hành lang này thông qua việc sử dụng các công cụ quốc tế hiện có và việc thực hiện các bước cụ thể theo tuyên bố ba bên mà các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia ký kết ngày 9/11/2020.

Trong cuộc gặp nói trên, hai ngoại trưởng cũng đề cập tới tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan.

[EU tìm cách thúc đẩy hòa bình giữa Azerbaijan-Armenia]

Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp này thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục