Armenia bãi bỏ một số hạn chế trong lệnh thiết quân luật

Chính phủ Armenia đã dỡ bỏ một số hạn chế trong lệnh thiết quân luật áp đặt tháng 9 vừa qua khi xung đột bùng phát tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Binh sỹ Armenia nã pháo về phía lực lượng Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 25/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/12, Chính phủ Armenia đã dỡ bỏ một số hạn chế trong lệnh thiết quân luật áp đặt tháng 9 vừa qua khi xung đột bùng phát tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Chính phủ Armenia cho biết sẽ bãi bỏ các hạn chế tổ chức biểu tình và đình công, cũng như nới lỏng một cơ chế đặc biệt kiểm soát nhập cảnh và xuất cảnh.

Bên cạnh đó, Armenia cũng hủy quyết định hạn chế các cơ quan truyền thông trong nước chỉ được phép xuất bản những thông tin chính thống của chính phủ khi đưa tin về hoạt động quân sự.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.

Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã gây thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.

[Tổng thống Armenia kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm]

Ngày 9/11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh.

Theo thỏa thuận, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực tiền tuyến Nagorny-Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia nhằm giám sát lệnh ngừng bắn.

Cũng theo thỏa thuận này, Armenia nhất trí trả lại 15-20% lãnh thổ vùng Nagorny-Karabakh mà lực lượng Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát trong thời gian bùng phát xung đột vừa qua, trong đó có thị trấn lịch sử Shusha.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi "sự dũng cảm" của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong việc đồng ý về thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan đối với khu vực Nagorny-Karabakh, vốn gây ra phản ứng dữ dội đối với ông tại Armenia.

Cũng trong ngày 2/12, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar thông báo đã khởi công công trình xây dựng một trung tâm chung Thổ Nhĩ Kỳ-Nga để giám sát lệnh ngừng bắn ở khu vực Nagorny-Karabakh.

Bộ trưởng Akar cho biết trung tâm được xây dựng sau cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa các lực lượng Azerbaijan và Armenia sẽ sớm đi vào hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục