Ngày 27/5, tòa án Argentina đã tuyên phạt từ 8 tới 25 năm tù đối với 15 trong tổng số 18 bị can từng câu kết tham gia Chiến dịch Condor đẫm máu hay còn gọi là Chiến dịch Kền kền trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, nhằm loại bỏ phe đối lập với các chính phủ độc tài Nam Mỹ.
Trong số những kẻ bị tuyên án có tên độc tài cuối cùng ở Argentina Reynaldo Bignone (1982-1983), bị tuyên phạt 20 năm tù, và cựu đại tá Uruguay Manuel Cordero, bị dẫn độ từ Brazil vào năm 2007, 25 năm tù.
Vụ kiện được mở ra vào năm 1999, trong đó bên nguyên đơn đại diện cho 105 nạn nhân của Chiến dịch Kền kền, gồm 45 công dân Uruguay, 22 người Chile, 13 người Paraguay, 11 người Bolivia và 14 người Argentina, đã kiện 25 đối tượng đều là cựu sĩ quan quân đội, với những cáo buộc bắt cóc, tra tấn và giết người.
Trong số những bị cáo trong phiên tòa bắt đầu xét xử từ tháng 2/2013 này, nhiều đối tượng đã chết trong thời gian xét xử vì tuổi cao, trong đó có cựu độc tài Argentina Jorge Videla (1976-1981) chết trong tù, kẻ từng bị kết tội chống lại loài người và 2 kẻ được tha.
Phiên tòa diễn ra tại Buenos Aires vì phần lớn trong gần 90 vụ hành quyết hay bắt cóc có liên quan những tên tội phạm này diễn ra tại Argentina, bởi các nạn nhân nước ngoài đều là những người tị nạn chính trị.
Sau khi thẩm phán Oscar Almirante đưa ra phán quyết, các nạn nhân và thân nhân có mặt tài phòng xét xử đã bày tỏ vui mừng vì công lý đã được thực thi.
Phiên tòa cũng đã được truyền hình trực tiếp tới các Đại sứ quán Argentina ở Chile, Uruguay và Paraguay. Trong suốt thời gian xét xử, khoảng 300 người đã được tòa gọi làm nhân chứng.
Trong chuyến thăm Buenos Aires hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 70 của thế kỷ trước có vấn đề, đồng thời khẳng định chính phủ hiện nay có trách nhiệm làm sáng tỏ quá khứ và công bố việc Nhà Trắng sẽ giải mật các tài liệu quân sự và tình báo mật có liên quan tới “giai đoạn đen tối” này.
Tuy nhiên, ông Obama đã tránh không công khai thừa nhận sự dính líu của Mỹ tới cuộc đảo chính cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với chính phủ độc tài theo yêu cầu của các tổ chức xã hội và nhân quyền Argentina. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ cho phép công khai các tài liệu mật quân sự và tình báo liên quan tới thời độc tài.
Chiến dịch Kền kền bao gồm việc nhận dạng, thanh trừng, bắt cóc hoặc vô hiệu hóa thành viên phe đối lập bằng cách buộc họ sống lưu vong tại châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào ngoài Nam Mỹ.
Chiến dịch này chỉ chấm dứt sau vụ cựu Ngoại trưởng Chile Orlando Letelier bị ám sát ngay tại Washington (Mỹ) trong một vụ nổ xe hơi, theo lệnh của nhà độc tài Chile Augusto Pinochet.
Vụ sát hại này không chỉ làm chấn động Chile mà còn làm rung chuyển cả nước Mỹ bởi đây được coi là vụ khủng bố đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ.
Chế độ độc tài là một giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử Argentina, Chile và nhiều nước Nam Mỹ khác, khi những kẻ cầm quyền đàn áp, bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu những người mà chúng cho là thuộc phe cánh tả, cũng như người thân của họ.
Theo thống kê chính thức, hơn 30.000 người đã mất tích trong thời gian này tại Argentina. 500 trẻ em đã bị bắt cóc khi bố mẹ các em bị giết hại và thủ tiêu. Cho tới nay gia đình các nạn nhân vẫn tiếp tục yêu cầu Chính phủ Argentina thực thi công lý.
Còn tại Chile, trong 17 năm cầm quyền của Pinochet, khoảng 3.200 người đã bị giết hại, 1.300 người mất tích và khoảng 37.000 người bị tra tấn dã man trong các chiến dịch đàn áp của chính quyền./.