Argentina thông qua dự luật thành lập cơ quan tình báo mới

Động thái này diễn ra sau cái chết bí ẩn của công tố viên Alberto Nisman, người đang điều tra vụ đánh bom khủng bố nhằm vào người Do Thái hồi năm 1994.
Argentina thông qua dự luật thành lập cơ quan tình báo mới ảnh 1Công tố viên Alberto Nisman. (Nguồn: AFP/AP)

Ngày 26/2, Quốc hội Argentina đã thông qua dự luật thành lập một cơ quan tình báo mới.

Động thái này diễn ra sau cái chết bí ẩn của công tố viên Alberto Nisman, người đang điều tra vụ đánh bom khủng bố nhằm vào người Do Thái hồi năm 1994.

Với 131 phiếu thuận và 71 phiếu chống, Hạ viện Argentina đã thông qua dự luật do Tổng thống Cristina Kirchner đệ trình, hơn hai tuần sau khi Thượng viện có động thái tương tự.

Theo văn kiện này, Cơ quan quốc vụ khanh về tình báo (SI) trực thuộc chính phủ sẽ bị giải thể và chính phủ sẽ thành lập Cơ quan Tình báo liên bang trực thuộc Bộ Công cộng.

Ngoài ra, một trong những thay đổi được nêu ra trong đạo luật trên là yêu cầu chính phủ phải tăng cường kiểm soát hoạt động của các điệp viên.

Hiện hệ thống tình báo của Argentina đang vướng vào bê bối liên quan đến việc nghe lén qua điện thoại nhằm khai thác những thông tin chống lại các thẩm phán, công tố viên và các nhân vật quyền lực.

Bà Cristina trình dự luật trên lên Quốc hội chỉ một tuần sau khi công tố viên Nisman được phát hiện đã tử vong tại nhà riêng do bị súng bắn vào ngày 18/1.

Cho tới thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận nguyên nhân cái chết trên là tự tử hay bị ám sát.

Trong khi đó, Chính phủ Argentina cho rằng một nhóm trong cơ quan tình báo Argentina đứng đằng sau cái chết mờ ám của ông Nisman và khẳng định vụ việc này nhằm hạ thấp uy tín của Chính phủ.

Ông Nisman là công tố viên phụ trách điều tra vụ đánh bom nhằm vào trụ sở Hiệp hội Do Thái ở thủ đô Buenos Aires năm 1994 khiến 85 người thiệt mạng.

Đây là vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina, mà theo cộng đồng Do Thái là do Chính phủ Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah tổ chức và thực hiện.

Cái chết của công tố viên Nisman đã gây chấn động dư luận Argentina vì xảy ra chỉ bốn ngày sau khi ông cáo buộc Tổng thống Cristina và Ngoại trưởng Héctor Timerman tìm cách che chở các quan chức Iran bị cáo buộc là thủ phạm của vụ khủng bố.

Trong khi đó, Tổng thống Christina cáo buộc cựu điệp viên Antonio Stiuso, một cộng sự thân cận của ông Nisman, đã cung cấp thông tin sai sự thật cho công tố viên xấu số này liên quan đến vụ điều tra trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục