Argentina phát hành thành công hơn 16 tỷ USD trái phiếu

Số tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu là mức kỷ lục về số tiền phát hành trái phiếu quốc tế của Argentina trong suốt hai thập kỷ qua và Argentina sẽ thanh toán hơn 9 tỷ USD cho các nhà đầu cơ.
Argentina phát hành thành công hơn 16 tỷ USD trái phiếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: uk.news.yahoo.com)

Ngày 19/4, Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay thông báo nước này đã phát hành thành công 16,5 tỷ USD trái phiếu quốc tế với mức lãi suất trung bình 7,2% - động thái đánh dấu sự trở lại thị trường tín dụng quốc tế của nước này sau 15 năm vắng bóng kể từ khi vỡ nợ năm 2001.

Số tiền thu về trên là mức kỷ lục về số tiền phát hành trái phiếu quốc tế của Argentina trong suốt hai thập kỷ qua.

Bộ trưởng Prat-Gay cho biết với số tiền thu được, Argentina sẽ thanh toán hơn 9 tỷ USD cho các nhà đầu cơ trong ngày 22/4 tới.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ về việc Buenos Aires khó có thể hoàn thành mục tiêu thu về 15 tỷ USD trong đợt phát hành trái phiếu lần này.

Các nguồn tin tài chính cho biết tổng số tiền các nhà đầu tư đã đặt mua trái phiếu của Argentina lên tới mức kỷ lục 65 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư ở Mỹ cho rằng thị trường Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh, khá hấp dẫn. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu cũng sẽ được chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri sử dụng để bù cho các khoản thâm hụt ngân sách và đầu tư. Kể từ khi không được tiếp cận thị trường vốn quốc tế, Argentina đã phải dùng biện pháp in tiền khiến tỷ lệ lạm phát luôn ở mức hai con số, lên tới 25% trong năm ngoái.

Argentina đã chọn các ngân hàng Deutsche Bank, JP Morgan, HSBC, Santander, BBVA, Citigroup và UBS tham gia phát hành trái phiếu lần này và cũng là lần phát hành trái phiếu quốc tế duy nhất trong năm nay.

Việc Argentina thanh toán nợ với các nhà đầu cơ sẽ chấm dứt cuộc chiến pháp lý giữa hai bên bùng nổ khi chính quyền của cựu Tổng thống Cristina Fernandez từ chối thanh toán nợ cho các quỹ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này năm 2005 và 2010. Nhằm gây sức ép, năm 2012, hai chủ nợ chính là NML Capital và Aurelius đã kiện Argentina lên Tòa án New York.

Thẩm phán Thomas Griesa, người thụ lý vụ kiện đã ra phán quyết phong tỏa các khoản tiền thanh toán nợ của nước này với 93% số chủ nợ đã đạt được thỏa thuận trong các đợt tái cơ cấu nợ từ năm 2005 và 2010. Với quyết định này của cơ quan tư pháp Mỹ, Buenos Aires rơi vào tình trạng “vỡ nợ một phần” năm 2014, đồng thời ngăn cản quốc gia này tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.

Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ của Tổng thống Macri đã chính thức đạt được thỏa thuận với bốn quỹ đầu cơ lớn với số tiền lên tới gần 5 tỷ USD, trong đó có NML Capital và Aurelius. Ngay lập tức, Thẩm phán Griesa đã bãi bỏ các quyết định trước đây với điều kiện Quốc hội Argentina phải hủy bỏ hai luật cấm chính phủ thanh toán tiền cho các nhà đầu cơ.

Cuối tháng Ba vừa qua, Quốc hội Argentina đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trên cũng như đồng ý bãi bỏ các luật cấm chính phủ thanh toán tiền cho các quỹ đầu cơ theo yêu cầu của ông Griesa.

Với việc phát hành trái phiếu lần này để trả nợ, Argentina sẽ trở thành quốc gia đang phát triển có số tiền nợ lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm trở lại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục