Argentina ngừng xuất khẩu thịt bò: "Con dao hai lưỡi" với các đối thủ

Việc Chính phủ Argentina ngày 18/5 ra quyết định tạm ngừng bán thịt bò ra thị trường nước ngoài trong vòng 30 ngày là một cơ hội dành cho các đối thủ xuất khẩu.
Một cửa hàng thịt ở Buenos Aires, Argentina, ngày 18/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà phân tích thị trường tại Mỹ Latinh nhận định việc Chính phủ Argentina ngày 18/5 ra quyết định tạm ngừng bán thịt bò ra thị trường nước ngoài trong vòng 30 ngày là một cơ hội dành cho các đối thủ xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến thị trường nội địa của các quốc gia trong khu vực phải hứng chịu áp lực mạnh mẽ về giá cả.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/5, Chủ tịch Viện nghiên cứu thịt bò (INAC) của Uruguay Fernando Mattos cho rằng việc một nhà xuất khẩu thịt quan trọng như Argentina tạm thời rút khỏi thị trường quốc tế là một tín hiệu tiêu cực cho toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng loại sản phẩm này tại khu vực.

Ông Mattos nhận xét mặc dù việc Argentina vắng mặt trên thị trường quốc tế có thể sẽ là cơ hội tạm thời cho các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Uruguay, Paraguay, và thậm chí cả Mỹ, nhưng trong trung hạn, thị trường nội địa của các quốc gia trong khu vực sẽ phải đối mặt với áp lực khi mà giá cả của một số sản phẩm chủ yếu trong giỏ thực phẩm cơ bản sẽ tăng cao.

Chủ tịch INAC nhấn mạnh trong năm nay, người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu thiệt hại từ việc thịt bò tăng giá.

Trên thị trường quốc tế, xét trên cán cân lợi ích và thiệt hại, về dài hạn, quyết định từ phía Argentina có thể sẽ khiến thị trường “biến dạng.”

Theo ông Mattos, việc hình thành giá cả cần tuân theo logic kinh tế, chứ không phải là một biện pháp hành chính nhằm can thiệp vào thị trường.

Chuyên gia phân tích từ Viện Kinh tế Brazil André Braz nhận định thị trường nội địa sẽ nhanh chóng thiếu hụt các sản phẩm thịt bò.

Vì lý do lợi nhuận, các nhà xuất khẩu tìm cách đẩy mạnh việc bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài thay vì ưu tiên thị trường trong nước.

Thịt là sản phẩm thuộc giỏ thực phẩm cơ bản và tại Brazil, giá thịt bò cũng đã tăng hơn 30% trong vòng 12 tháng qua.

[Nhật Bản nhân rộng công nghệ đánh giá thịt bò wagyu sử dụng AI]

Theo nhà phân tích thị trường Fernando Iglesias từ công ty Safras & Mercados của Brazil, nhu cầu đối với hàng hóa đang tăng lên trên khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Á.

Quốc gia hưởng lợi chính từ quyết định hạn chế xuất khẩu của Argentina sẽ là Mỹ, nhà xuất khẩu thịt lớn thứ ba trên thế giới, nhờ vào sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc.

Ông Iglesias cho biết Trung Quốc tỏ ra chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của mình.

Khi cảm nhận được việc Argentina sẽ hạn chế xuất khẩu thịt bò do chính phủ quốc gia Nam Mỹ này đã đưa ra một số quy định liên quan vào tháng trước, Trung Quốc đã quyết định mở cửa thị trường nhập khẩu thịt cho 32 doanh nghiệp của Mỹ kể từ ngày 1/5.

Theo chủ tịch Viện INAC, việc Argentina tạm thời rút khỏi thị trường này sẽ gây ra "hiệu ứng thiếu hụt từ 7-8% nguồn cung thịt trên toàn thế giới" khi quốc gia Nam Mỹ này đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm nay khoảng một triệu tấn thịt bò.

Trong khi đó, khối lượng thịt bò giao dịch trong năm nay trên thị trường toàn cầu ước đạt 11-12 triệu tấn.

Viện thống kê và điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết quốc gia Nam Mỹ này là nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ tư trên thế giới với 819.000 tấn thịt bán ra thị trường nước ngoài trong năm 2020, và nguồn thu từ hoạt động này rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.

Theo INDEC, năm 2020, Argentina xuất khẩu lượng thịt bò và da bò trị giá 3,37 tỷ USD.

Trước đó, Viện Xúc tiến thịt bò Argentina (IPCVA) cho biết chi phí sinh hoạt đã tăng 46,3% trong 12 tháng qua, trong khi giá thịt bò trong tháng 4/2021 đã cao hơn 65,3% so với cùng kỳ năm 2020, tức là cao hơn cả mức lạm phát.

Người dân Argentina tiêu thụ trung bình khoảng 38 kg thịt bò/người trong năm 2019, nhiều nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và nhiều hơn mức tiêu thụ tại Mỹ khoảng 12kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục