Trước nguy cơ vỡ nợ cận kề, ngày 3/7, Argentina đã kêu gọi các nước Mỹ Latinh giúp tìm kiếm một "giải pháp khẩn cấp" để đối phó với cuộc chiến nợ trước mắt.
Lời hối thúc trên được đưa ra trong hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Washington theo yêu cầu của Buenos Aires để thảo luận về vấn đề giải quyết nợ của quốc gia Nam Mỹ này theo phán quyết của một tòa án Mỹ.
Phát biểu trước hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof nhấn mạnh điều Argentina cần là hành động, không chỉ là lời nói. Theo Bộ trưởng Kicillof, tình hình đang rất khó khăn, Argentina đang gặp vấn đề về thời gian khi chỉ còn 28 ngày để Buenos Aires đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ. Người đứng đầu nền kinh tế Argentina kêu gọi các tổ chức quốc tế hành động để giúp quốc gia Nam Mỹ này tránh rơi vào cuộc khủng hoảng như năm 2001.
Theo thông báo của Argentina, hiện nước này không có khả năng thanh toán theo yêu cầu của tòa án Mỹ nên buộc phải đề nghị OAS nhóm họp để ngăn ngừa những tác động mà nước này cho rằng sẽ "vượt quá phạm vi các vấn đề tài chính và có thể gây ra những tác động mang tính toàn cầu."
Bộ trưởng Kinh tế Argentina cũng không thể hiện ý định thực hiện phán quyết của thẩm phán Mỹ Thomas Griesa, thanh toán nợ cho các chủ nợ không chấp thuận chương trình tái cơ cấu là hai quỹ đầu tư của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management.
Trước đó, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết đến ngày 30/6, Argentina phải thanh toán đầy đủ tiền nợ và tiền lãi, khoảng 1,3 tỷ USD, cho các chủ nợ không chấp thuận chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires.
Phán quyết cũng buộc Argentina không được thanh toán nợ cho các chủ nợ lớn khác nếu không đồng thời thanh toán cho hai quỹ đầu tư trên. Quyết định trên đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía Argentina, quốc gia vốn rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng kể từ sau vụ vỡ nợ 100 tỷ USD năm 2001.
Theo Buenos Aires, phán quyết sẽ tạo ra tiền lệ xấu, đẩy Argentina vào cuộc chiến với tất cả các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này. Như vậy, không chỉ thanh toán 1,3 tỷ USD cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, Argentina còn có nguy cơ phải thanh toán nợ tái cơ cấu cho tất cả các chủ nợ khác của Buenos Aires số tiền lên tới 15 tỷ USD - chiếm hơn một nửa kho dự trữ ngoại hối của nước này.
Chính phủ Argentina chỉ trích quyết định của tòa án Mỹ đã giáng đòn mạnh vào nỗ lực tiếp cận thị trường vốn quốc tế cũng như chương trình tái cơ cấu nợ, đe dọa đẩy Argentina rơi vào đợt vỡ nợ thứ hai trong vòng 13 năm.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Argentina và hai quỹ đầu tư Mỹ nhằm tìm ra lối thoát tránh tình trạng vỡ nợ ở mức kỷ lục vẫn chưa thể tiến hành và cả hai phía đều đang đổ lỗi cho nhau về việc này.
Chánh văn phòng nội các Argentina Jorge Capitanich nói rằng các quỹ đầu tư của Mỹ thực chất không muốn đàm phán vì "họ đã từ chối một cách thẳng thừng và có hệ thống mọi đề nghị đàm phán từ Buenos Aires."
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Argentina cũng không có ý định chấp nhận lời mời đàm phán trực tiếp với các quỹ đầu tư Mỹ vì theo kế hoạch, luật sư của hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 7/7 tới, dưới sự chủ trì của luật sư Daniel Pollack, phái viên đặc biệt do thẩm phán Thomas Grieasa chỉ định.
NML Capital và Aurelius Management từng từ chối tham gia các chương trình tái cơ cấu nợ năm 2005 và 2010 của Argentina. Hai quỹ đầu tư này luôn "săn lùng" cổ phiếu của các chính phủ hoặc công ty phá sản của Argentina trên thị trường thứ cấp với mức giá chỉ bằng 10-20% giá niêm yết để sau đó sử dụng hệ thống tòa án của Mỹ yêu cầu các con nợ phải thanh toán theo giá ghi trên giấy tờ./.