Argentina: ''IMF không phải là chủ nợ của Buenos Aires''

Bộ trưởng kinh tế Argentina khẳng định quốc gia Nam Mỹ này không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ IMF, bởi vì thể chế này không phải là chủ nợ của Buenos Aires.

Bộ trưởng kinh tế Argentina Axel Kicillof ngày 14/4 khẳng định quốc gia Nam Mỹ này không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bởi vì thể chế này không phải là chủ nợ của Buenos Aires.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Buenos Aires sau khi dự hội nghị hàng năm của IMF và Ngân hàng thế giới (WB), ông Kicillof khẳng định sự tham gia của ông không thể có ''kết quả đặc biệt'' vì Argentina không đưa ra một mục tiêu cụ thể nào khi tham dự hội nghị.

Với tuyên bố trên, quan chức này đã bác bỏ những thông tin báo chí cho rằng tranh thủ tham gia hội nghị ông đã đề nghị IMF ủng hộ Argentina trong cuộc đàm phán với Câu lạc bộ Paris để giải quyết khoản nợ khoảng 9,5 tỷ USD với nhóm này.

Ông Kicillof cũng phản đối việc IMF giám sát cuộc đàm phán nợ với Câu lạc bộ Paris, sẽ diễn ra từ tháng Năm, mà theo nguồn tin báo chí do một số nước thành viên nhóm này đề xuất.

Năm 2005, Argentina thanh toán toàn bộ nợ với IMF và cắt đứt quan hệ tín dụng với IMF, do coi thể chế này là ''thủ phạm'' gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng tại nền kinh tế lớn thứ ba tại Mỹ Latinh hồi cuối năm 2001 và đầu năm 2002.

Theo Bộ trưởng Axel Kicillof, việc IMF kiểm soát định kỳ kinh tế Argentina theo quy định đối với các nước thành viên là ''không cần thiết'' vì Buenos Aires ''không nợ IMF một xu nào.''

Sau khi tuyên bố vỡ nợ năm 2001, Argentina khó nhận được vốn vay nước ngoài vì chưa giải quyết nợ với Câu lạc bộ Paris và với các ''quỹ kền kền'' đang kiện Buenos Aires tại một số tòa án quốc tế.

Thương thuyết trả nợ Câu lạc bộ Paris là một phần trong những nỗ lực của Argentina nhằm cải thiện quan hệ với cộng đồng tài chính quốc tế giữa lúc quốc gia Nam Mỹ này đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Dự trữ ngoại hối của Argentina giảm mạnh từ mức kỷ lục 52 tỷ USD năm 2011 xuống 43,3 tỷ USD khi kết thúc năm 2012 và 27,6 tỷ USD vào thời điểm hiện nay, do Buenos Aires phải sử dụng ngoại tệ để trả nợ và đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án phát triển cũng như nhu cầu mua ngoại tệ để giữ tiền của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục