Argentina đánh giá cao việc Mỹ giải mã tài liệu thời độc tài

Chính phủ Argentina đã đánh giá cao ngày 17/3 quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép giải mã các tài liệu liên quan tới thời độc tài quân sự cuối cùng tại quốc gia này (1976-1983).
Argentina đánh giá cao việc Mỹ giải mã tài liệu thời độc tài ảnh 1Tổng thống Argentina Mauricio Macri phát biểu trong một cuộc họp báo ở Buenos Aires. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, chính phủ Argentina đã đánh giá cao ngày 17/3 quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép giải mã các tài liệu quân sự và tình báo có liên quan tới thời độc tài quân sự cuối cùng tại quốc gia này (1976-1983).

Chánh văn phòng Nội các Marcos Peña khẳng định đây là một quyết định lịch sử và bày tỏ vui mừng trước tuyên bố của Nhà Trắng ngay trước thềm chuyến thăm Buenos Aires của ông Obama, vào ngày 23 và 24/3 tới. Chuyến thăm của ông Obama diễn ra đúng dịp Argentina tưởng niệm 40 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính quân sự cuối cùng ở nước này, trong đó có sự dính líu và hậu thuẫn đáng kể của Chính phủ Mỹ thời đó.

Trước đó, ngày 16/3, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết trong chuyến thăm Argentina, ông Obama sẽ thăm khu tưởng niệm các nạn nhân của thời kỳ độc tài nói trên, nhằm khẳng định cam kết của Washington với những vấn đề nhân quyền. Bà Rice tuyên bố ngoài 4.000 văn bản mà Mỹ đã giải mã hồi năm 2002 về “giai đoạn đen tối này”, theo yêu cầu của chính phủ Argentina, Tổng thống Obama sẽ thông báo nỗ lực toàn diện của Nhà Trắng nhằm giải mã những tài liệu mới, bao gồm những tài liệu quân sự và tình báo.

Bà Rice bày tỏ chính phủ Mỹ ấn tượng trước những cải cách mà Tổng thống Mauricio Macri đang tiến hành, cũng như tin tưởng rằng Argentina có thể trở thành một đồng minh quan trọng của Nhà Trắng trên thế giới trong nhiều vấn đề từ cuộc chiến chống ma túy tới chống biến đổi khí hậu.

Cùng ngày, trong một bài xã luận, Thời báo New York của Mỹ cũng cho rằng Tổng thống Obama cần phải tuyên bố việc cho phép giải mã các tài liệu liên quan đến sự ủng hộ của nước này đối với chế độ độc tài quân sự tại Argentina trong chuyến thăm tới đây. Những trang tài liệu này sẽ cho thấy rõ hơn về một giai đoạn “đáng xấu hổ” trong đường lối đối ngoại của Mỹ, khi ủng hộ những “chiến thuật tàn bạo” của các chính phủ cực hữu Mỹ Latinh.

Cũng theo báo này, ít ngày sau cuộc đảo chính quân sự hôm 24/3/1976 tại Argentina, tân Ngoại trưởng thời đó là César Guzzetti đã tuyên bố với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rằng lực lượng quân đội đang đập tan những kẻ khủng bố.

Sau đó, phát biểu trước hội đồng quân sự, ông Kissinger đã hối thúc Nhà Trắng thúc đẩy những việc cần làm và điều này đồng nghĩa với việc Mỹ “bật đèn xanh” cho chính phủ độc tài tiếp tục đàn áp phe đối lập. Từ nhiều năm nay, các tổ chức nhân quyền đã yêu cầu Mỹ giải mã những tài liệu mật cho phép tiếp cận với sự thật và biết được những gì đã xảy ra với những người mất tích tại Argentina.

Chế độ độc tài là một giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử Argentina khi những kẻ cầm quyền đàn áp, bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu những người mà chúng cho là thuộc phe cánh tả, cũng như người thân của họ.

Theo thống kê chính thức, hơn 30.000 người đã mất tích trong thời gian này, 500 trẻ em đã bị bắt cóc khi bố mẹ các em bị giết hại và thủ tiêu. Cho tới nay, với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền, Argentina mới chỉ tìm lại được 119 trẻ bị bắt cóc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục