Argentina: Citibank câu kết với quỹ đầu cơ là hành động mafia

Bộ trưởng Kinh tế Argentina khẳng định Citibank đã câu kết với các quỹ đầu cơ để làm hại Argentina và đánh giá đây là hành động của những kẻ "mafia."
Argentina: Citibank câu kết với quỹ đầu cơ là hành động mafia ảnh 1Trụ sở Citibank. (Nguồn: AFP)

Ngày 8/4, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof đã công bố biện pháp đối phó với thỏa thuận được ký kết giữa chi nhánh Citibank tại nước này với quỹ NML Capital của Mỹ, một trong những quỹ đầu cơ đang trong quá trình kiện tụng Argentina liên quan tới việc trả nợ.

Biện pháp này sẽ cho phép ngành tư pháp Argentina tuyên bố thỏa thuận giữa Citibank và NML Capital không có giá trị.

Bộ trưởng Kicillof khẳng định trên thực tế, việc làm này là nhằm bảo vệ những trái chủ đã đàm phán xong về tái cơ cấu nợ.

Ông Kicillof tố cáo các "quỹ kền kền" như NML Capital âm mưu phá hoại thỏa thuận giữa Argentina với các trái chủ đã đàm phán xong về việc tái cơ cấu nợ từ các năm 2005 và 2010, bởi ngân hàng này không hoàn tất việc thanh toán như đã cam kết theo luật Argentina.

Ông Kicillof khẳng định Citibank có thể rời khỏi Argentina và đổ lỗi cho chính phủ quốc gia Nam Mỹ, nhưng sự thật là ngân hàng này đã câu kết với các quỹ đầu cơ để làm hại Argentina và đánh giá đây là hành động của những kẻ "mafia." Citibank từng được hưởng lợi từ việc đứng ra thực hiện vai trò ủy thác nợ.

Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Argentina được đưa ra trong bối cảnh Citibank đã ký thỏa thuận với NML Capital để thực hiện các khoản thanh toán mà Chính phủ Argentina ủy thác cho các trái chủ tới hết tháng Sáu tới. Điều này đồng nghĩa với việc Citibank sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò là bên ủy thác tại Argentina sau thời điểm đó.

Trước đó, từ ngày 6/4, Ngân hàng Trung ương Argentina bắt đầu giám sát hoạt động của chi nhánh Citibank tại thủ đô Buenos Aires nhằm đảm bảo ngân hàng này tuân thủ luật pháp nước sở tại, đồng thời cũng rút giấy phép hoạt động của Giám đốc điều hành Citibank. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán quốc gia Argentina cũng đình chỉ tạm thời hoạt động thị trường vốn của ngân hàng Citibank.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Để có thể tái cơ cấu nợ, Argentina đã thuyết phục được những chủ nợ của 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần giá trị mặt của trái phiếu.

Tuy nhiên trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina lên tòa án New York (Mỹ). Các quỹ này đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo giá trị mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD.

Các quỹ này đã được tòa án New York tuyên bố thắng kiện, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục