Argentina cận kề nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm

Ngày 30/7 tới là thời hạn chót để Argentina thanh toán 1,3 tỷ USD tiền nợ và tiền lãi cho hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management trong bối cảnh kho dự trữ ngoại tệ thì quá ít ỏi.
Argentina cận kề nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm ảnh 1Tổng thống Argentina Cristina Fernandez. (Nguồn:AfP/TTXVN)

Argentina đang cận kề nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm qua khi chỉ còn hai ngày nữa là đến thời hạn chót 30/7 - thời hạn mà quốc gia Nam Mỹ này phải thanh toán 1,3 tỷ USD tiền nợ và tiền lãi cho hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management theo phán quyết của tòa án liên bang Mỹ.

Luật sư Dan Pollack, trung gian đối thoại giữa Argentina và các chủ nợ Mỹ, cho biết ông sẽ có cuộc họp với phái đoàn của Argentina tại New York trong ngày 29/8 nhằm tìm cách tháo gỡ thế bế tắc hiện nay với hai quỹ đầu tư nói trên.

Luật sư Pollack chỉ trích Buenos Aires đã từ chối đàm phán trực tiếp với NML Capital và Aurelius Capital Management, hai quỹ đầu tư không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Argentina.

Theo ông, đối thoại trực tiếp có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh tình hình ngày càng nghiêm trọng và không còn nhiều thời gian.

Trong khi đó, Argentina vẫn tỏ ra khá cứng rắn trong việc tiếp cận đàm phán khi kiên quyết cho rằng giải pháp duy nhất là tòa án Mỹ hoãn phán quyết đến cuối năm nay.

Điều này có nghĩa là các bên sẽ có thời gian dài hơn đàm phán về điều khoản RUFO, theo đó tất cả các chủ nợ của Argentina đều được đối xử bình đẳng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ với kho dự trữ ngoại tệ ít ỏi 29 tỷ USD, quốc gia Nam Mỹ này rất khó có khả năng làm vừa lòng tất cả các chủ nợ.

Các nhà phân tích dự đoán nếu Argentina không đạt được thỏa thuận với các quỹ đầu tư Mỹ trước nửa đêm 30/7, các cơ quanh đánh giá tín nhiệm tín dụng sẽ tuyên bố quốc gia này vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm.

Theo họ, một đợt vỡ nợ mới sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà kinh tế Argentina đang đối mặt.

Trang web Abeceb.com dự báo vỡ nợ sẽ khiến cho kinh tế nước này tăng trưởng âm 3,5%, lạm phát lên mức 41% và chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 3,8% vào cuối năm.

Nhà phân tích kinh tế của IHS Country Risk Carlos Caicedo cho rằng một cú vỡ nợ nữa có thể phá giá đồng peso, hiện đã mất giá 20% kể từ tháng Một, điều này sẽ châm ngòi cho lạm phát và giá cả tăng mạnh.

Tuy nhiên, bất chấp các dự báo trên, Chính phủ Argentina đã bác bỏ những dự đoán bi quan về việc kinh tế sẽ sụp đổ sau vỡ nợ.

Chánh Văn phòng Tổng thống Jorge Capitanich cho biết thặng dư thương mại của Argentina và các thỏa thuận đầu tư mới đây giữa nước này với Trung Quốc sẽ đảm bảo nguồn tiền mặt cho Argentina kể cả khi nước này vỡ nợ.

Nhiều nhà kinh tế cũng đồng ý rằng hậu quả của đợt vỡ nợ lần này sẽ nhỏ hơn so với đợt vỡ nợ năm 2001 vì tiềm lực kinh tế của Buenos Aires hiện nay khá hơn so với cách đây 13 năm.

Theo tin mới nhất, từ chối yêu cầu của Luật sư Pollack về việc đàm phán trực tiếp với các chủ nợ Mỹ, song cả Tổng thống Argentina Cristina Fernandez và Bộ trưởng Kinh tế Axcell Kiciloff đều đến Caracas, Venezuela để tham dự hội nghị cấp cao Nam Mỹ tổ chức ngày 29/7 với mục tiêu tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trong khối.

Các chuyên gia hàng đầu nhận định với các động thái này, dường như Chính phủ Argentina đã xác định chấp nhận vỡ nợ và sau đó nối lại đàm phán sẽ là sự lựa chọn ít tốn kém hơn so với việc tuân thủ phán quyết của tòa án liên bang Mỹ.

Trước đó, 92,4% số chủ nợ đã đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu của Argentina, theo đó chấp nhận mất 70% giá trị số trái phiếu họ đang giữ để được Chính phủ Argentina thanh toán phần còn lại.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án Mỹ đã đẩy Buenos Aires rơi vào bế tắc khi phong tỏa hoạt động thanh toán của Argentina cho các chủ nợ tham gia tái cơ cấu cho đến khi đồng ý trả nợ cho hai quỹ đầu tư của Mỹ.

Buenos Aires chỉ trích tòa án Mỹ đã giúp cho hai quỹ đầu tư trên kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ, tới 1.680%, chỉ trong vòng sáu năm từ việc mua trái phiếu Argentina với giá rẻ mạt sau khi nước này vỡ nợ năm 2001.

Ngoài ra, Argentina lo ngại việc thanh toán cho hai quỹ đầu tư nói trên sẽ châm ngòi cho 7,6% số chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu đồng loạt đòi nợ.

Nếu phải thực thi theo yêu cầu này, Argentina sẽ mất tới 15 tỷ USD chiếm hơn một nửa trong kho dự trữ ngoại tệ khoảng 29 tỷ USD của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục