Theo New York Times, Apple đã vô hiệu hóa ứng dụng News (Tin tức) của mình ở Trung Quốc, trước những khó khăn hãng này gặp phải trước các quy tắc kiểm duyệt ngặt nghèo của Trung Quốc.
Ứng dụng này, được mong đợi sẽ trở thành một ứng dụng xem tạp chí và báo kỹ thuật số, ra mắt lần đầu tiên với người dùng Mỹ hồi tháng Sáu.
Ứng dụng cho phép khách hàng đi ra nước ngoài vẫn có thể truy cập nhưng từ nay khi đến Trung Quốc, thay vì nhìn thấy một danh sách các tin tức, người dùng sẽ nhìn thấy một thông điệp rằng ứng dụng này không tồn tại.
"Không thể làm mới ngay bây giờ. News không hỗ trợ cho khu vực hiện tại của bạn." Đây là thông điệp xuất hiện trên màn hình chào mừng của ứng dụng News trên iOS khi người dùng truy cập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với nội bộ Apple về quyết định trên cho biết chỉ có ứng dụng News phiên bản của Mỹ mới bị chặn còn phiên bản beta tại Anh và Australia không bị chặn tại Trung Quốc.
Apple đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Trung Quốc hiện đang giữ một vị trí rất quan trọng trong thế giới công nghệ. Số người sử dụng công nghệ ở nước này là một con số khổng lồ với 1,35 tỷ người và tầng lớp trung lưu đang phát triển đã tạo ra một thị trường béo bở cho các công ty như Apple, đang nỗ lực mở rộng các cửa hàng bán lẻ của mình và thúc đẩy doanh số bán iPhone ở thị trường này.
Trong báo cáo thu nhập tháng Tư của mình, Apple đã tiết lộ rằng Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới về doanh thu, vượt trên cả Mỹ.
Quy tắc kiểm duyệt web của Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã vấp phải sự phản đổi gay gắt từ các công ty công nghệ mạng nước ngoài.Đầu năm nay, Trung Quốc nâng cấp bộ lọc Internet của mình để làm cho chính sách kiểm duyệt chặt chẽ và khó vượt rào hơn.
Các trang web và các dịch vụ mạng phổ biến như Gmail, Facebook và Twitter từ lâu bị chặn ở Trung Quốc.
Sau khi phải đối mặt với các cuộc kiểm duyệt gay gắt từ các cơ quan chính phủ Trung Quốc, Google trong năm 2010 đã chuyển hoạt động trụ sở đơn vị tìm kiếm web Trung Quốc đến Hồng Kông, cho phép công ty tìm kiếm mạng của hãng hoạt động ngoài các quy tắc và quy định đặt ra từ phía chính phủ Trung Quốc.
Các công ty trò chơi cũng đã phàn nàn về các quy tắc kiểm duyệt của Trung Quốc gây tổn thương đến doanh số bán hàng. Sony phải tới tháng Ba vừa qua mới ra mắt máy chơi game PlayStation 4 ở Trung Quốc sau khi chính phủ rút lại lệnh cấm lâu năm trên máy chơi game hồi năm ngoái. Nhưng sự ra mắt này của Sony PlayStation 4 phải đi kèm với việc tuân thủ một loạt các quy định ngặt nghèo của cơ quan quản lý Trung Quốc.
Andrew House, giám đốc điều hành của Sony Computer Entertainment, nhận xét vào tháng trước rằng công ty đã được "thử thách" với "chế độ kiểm duyệt" của Trung Quốc./.