Apple ra mắt dịch vụ gửi tiền với lãi suất hằng năm lên tới 4,15%

Khách hàng có thể mở tài khoản tiết kiệm lãi suất cao thông qua tài khoản thẻ tín dụng của Apple (Apple Card) và các tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu, được FDIC bảo đảm.
(Nguồn: Apple)

Ngày 17/4, Apple chính thức bước vào cuộc đua thu hút tiền tiết kiệm khi ra mắt dịch vụ gửi tiền với lãi suất hằng năm lên tới 4,15%.

Quyết định này đánh dấu bước đi tiếp theo lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính của “gã khổng lồ công nghệ” Mỹ.

Khách hàng có thể mở tài khoản tiết kiệm lãi suất cao thông qua tài khoản thẻ tín dụng của Apple (Apple Card). Các tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu và được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) bảo đảm.

Số dư tối đa cho phép đối với mỗi tài khoản là 250.000 USD. Khách hàng không thể chi tiêu trực tiếp từ tài khoản tiết kiệm của Apple mà cần chuyển sang tài một khoản vãng lai (tài khoản chuyên sử dụng để thanh toán) hoặc Apple Cash (dịch vụ ví của Apple giúp khách hàng nhận tiền, gửi và thanh toán tiền thông qua ứng dụng).

Tập đoàn Apple Inc ngày 28/3 cũng đã ra mắt dịch vụ “mua ngay, trả tiền sau” (buy now, pay later) tại Mỹ, một động thái có nguy cơ làm gián đoạn lĩnh vực công nghệ tài chính mà các công ty như Affirm Holdings của Mỹ và công ty thanh toán Klarna của Thụy Điển đang chiếm lĩnh.

Apple cho biết dịch vụ trên, có tên Apple Pay Later, sẽ cho phép người dùng chia các đơn mua thành bốn đợt thanh toán trong sáu tuần, không tính lãi hay phí.

Ban đầu, chỉ một số người dùng nhất định mới được cung cấp dịch vụ này, và Apple dự định sẽ áp dụng nó với toàn bộ người dùng trong những tháng tới.

Theo Apple, người dùng có thể vay 50-1000 USD cho các đơn mua hàng trực tuyến và trong ứng dụng được thực hiện trên các thiết bị iPhone và iPad từ những người bán chấp nhận Apple Pay. Apple cho biết hơn 85% các nhà bán lẻ ở Mỹ chấp nhận Apple Pay.

[Tập đoàn Apple sử dụng 100% pin coban tái chế vào năm 2025]

Ông Danni Hewson, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính của công ty cung cấp các nền tảng đầu tư trực tuyến và dịch vụ môi giới chứng khoán AJ Bell, nhận định Apple Pay Later chắc chắn sẽ đánh bại và chiếm mất thị phần của một số đối thủ.

Sau thông báo của Apple, cổ phiếu của Affirm giảm hơn 7%, trong khi cổ phiếu của PayPal đóng phiên giảm khoang 1%.

Năm 2020, các lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng tìm đến các nền tảng thanh toán trực tuyến, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ trả sau, đặc biệt là với giới trẻ.

Các “ông lớn” trong lĩnh vực thanh toán số như PayPal và Block Inc đã mở rộng sang lĩnh vực này thông qua các thương vụ thâu tóm, trong khi Affirm trở thành công ty đại chúng thông qua đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá hàng tỷ USD.

Trước đó, ngày 21/3, Apple đã ra mắt dịch vụ thanh toán di động Apple Pay tại Hàn Quốc, mang lại sự cạnh tranh mới trên thị trường lâu nay do Samsung Pay của Samsung Electronics Co. chi phối.

Apple đã mất hơn 5 năm để có thể triển khai Apple Pay tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, sau khi lần đầu tiên công bố kế hoạch vào thị trường này, do các vấn đề về tài chính và kỹ thuật liên quan đến hệ thống liên lạc trường gần (NFC) - một giao thức không dây tầm ngắn.

Hệ thống NFC là một hình thức thanh toán ít phổ biến tại Hàn Quốc, nơi Samsung Pay, sử dụng công nghệ truyền dẫn an toàn từ tính (MST), là ứng dụng tài chính được sử dụng nhiều nhất.

Phó Chủ tịch phụ trách các dịch vụ trực tuyến của Apple, Jennifer Bailey, cho rằng tập đoàn đã nỗ lực trong những năm qua để có thể đưa Apple Pay đến Hàn Quốc. Apple rất vui mừng khi đưa đến một công nghệ thanh toán mới cho các khách hàng và cho rằng họ sẽ đón nhận nhìn từ khía cạnh bảo mật và tính riêng tư.

Apple Pay được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc phá vỡ ưu thế của Samsung Pay trên thị trường thanh toán trực tuyến, nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến toàn cầu và người dùng iPhone tại Hàn Quốc chiếm hơn 20% tại nước này.

Tuy nhiên, thành công của Apple Pay sẽ phụ thuộc vào việc phát triển cơ sở hạ tầng NFC.

Số liệu trong ngành cho thấy hiện có 2,8 triệu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẻ tại Hàn Quốc, với hơn 90% doanh nghiệp được trang bị thiết bị thanh toán dựa trên công nghệ MST. Trong khi đó, chưa tới 10% sử dụng cổng dựa trên hệ thống NFC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục