Apple phủ nhận sử dụng lao động cưỡng bức, vi phạm luật ở Trung Quốc

Theo China Lab Watch (CLW), một cơ quan giám sát lao động có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), Apple và đối tác Foxconn đã vi phạm luật lao động Trung Quốc khi sử dụng lao động cưỡng bức.
Công nhân làm việc trong nhà máy của Foxconn. (Nguồn: macrumors.com)
Công nhân làm việc trong nhà máy của Foxconn. (Nguồn: macrumors.com)

Ngày 9/9, Apple đã phủ nhận hầu hết những gì trong một báo cáo cáo buộc nhà sản xuất iPhone và đối tác sản xuất Foxconn đã vi phạm luật lao động Trung Quốc.

China Lab Watch (CLW), một cơ quan giám sát lao động có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), đã công bố một báo cáo vào Chủ Nhật (8/9) và tuyên bố rằng hơn một nửa lực lượng lao động làm việc vào tháng 8 tại nhà máy iPhone lớn nhất ở Trịnh Châu, Trung Quốc, được thuê tạm thời, bao gồm các sinh viên thực tập.

Mặt khác, theo Luật lao động Trung Quốc, các công nhân thời vụ không thể vượt quá 10% tổng số lao động làm việc. Vào tháng 9, nhiều người trong số những công nhân sinh viên đó đã trở lại trường học, dẫn đến số lượng nhân viên thời vụ giảm, nhưng nó vẫn lớn hơn những gì luật pháp Trung Quốc quy định.

[Mega Story] Theo chân nhà báo đột nhập ‘Tử cấm thành’ của Apple

"Chúng tôi đã xem xét các tuyên bố của China Lab Watch và hầu hết các cáo buộc đều sai," Apple nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi đã xác nhận tất cả các công nhân đang được hưởng chế độ một cách thích hợp, bao gồm mọi khoản tiền lương và tiền thưởng làm thêm giờ, tất cả các công việc làm thêm giờ là tự nguyện và không có bằng chứng nào về lao động cưỡng bức."

Foxconn - hãng lắp ráp gia công lớn nhất của Apple ở Trung Quốc chưa có bình luận gì về thông tin trên.

Tuy nhiên, theo CLW, công nhân kiếm được mức lương cơ bản là 2.100 nhân dân tệ (295 USD), không đủ để duy trì sinh kế cho một gia đình sống ở thành phố Trịnh Châu [nơi đặt nhà máy của Foxconn].

Báo cáo của CLW cũng cáo buộc các vi phạm quyền của người lao động tại nhà máy bao gồm: Công nhân phải làm ít nhất 100 giờ làm thêm mỗi tháng trong mùa sản xuất cao điểm, mặc dù luật lao động Trung Quốc quy định họ không được làm việc quá 36 giờ làm thêm mỗi tháng; việc nghỉ phép của người lao động thường xuyên không được chấp thuận trong mùa cao điểm; một số nhân viên thời vụ không nhận được tiền thưởng như đã hứa với họ từ công ty cung cấp lao động; nhân viên sinh viên cũng làm thêm giờ trong mùa sản xuất cao điểm mặc dù luật thực tập nghiêm cấm điều đó; nhà máy không cung cấp cho công nhân đầy đủ thiết bị bảo vệ cá nhân và công nhân không được đào tạo về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục